Liên kết để phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

Tấn Thành - Chí Đại 01/07/2022 18:27

Chiều 1/7, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) miền Trung trong bối cảnh mới”.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương và ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có, Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cùng các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một số một số chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: “Tọa đàm được tổ chức tại Quảng Nam là cơ hội rất tốt để chúng tôi được tiếp cận thêm nhiều thông tin hữu ích, lĩnh hội những ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học, giúp Quảng Nam nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức để tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong định hướng phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới của khu vực và cả nước trong thời gian đến”.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Quấn Anh cho rằng, VKTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên khoảng 27.881,7 km2; dân số khoảng 6,5 triệu người là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và đảm bảo quốc phòng an ninh (QPAN) đối với cả khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước.

VKTTĐ miền Trung có tài nguyên khoáng sản khá phong phú; có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình và có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam;….

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.

Ông Trần Tuấn Anh nói thêm, tọa đàm này có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39-NQ/TW hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển KT - XH vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và VKTTĐ miền Trung nói riêng; là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại kết quả liên kết VKTTĐ miền Trung thời gian qua.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khóa học đã trình bày các tham luận như: Phát triển kinh tế thông qua liên kết vùng: Trường hợp của vùng Duyên hải miền Trung; Đại học Huế với định hướng đào tạo, liên kết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế cho khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Trọng tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thể chế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ; Bảo đảm QPAN VKTTĐ miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển hệ thống đô thị ven biển VKTTĐ miền Trung trong quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam;…

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Cũng tại buổi, tọa đàm lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố trên đã đối thoại chính sách, bàn về mô hình, cơ chế cho liên kết phát triển VKTTĐ miền Trung trong thời gian tới.

Ông Phan Việt Cường cho hay: “VKTTĐ miền Trung có 5 tỉnh gồm: Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Về vị trí địa lý của 5 tỉnh này rất thuận lợi đều về giáp biển Đông, có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, 5 tỉnh này biết liên kết, có sự điều phối khu vực thương mại sẽ phát triển. Tôi nghỉ chúng ta sẽ phát triển và là điểm đến của các nhà đầu tư”.

Ông Phan Việt Cường nói thêm: “Trong bối cảnh mới này, chúng ta đã chuyển đổi số, có quan hệ đa phương và có sự hỗ trợ của các ngành Trung ương, chúng ta nên tập kết lại, có điểm nét mới để tìm ra một hướng đi để có sự điều phối cho liên kết vùng này sẽ phát triển mạnh hơn”.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, liên kết VKTTĐ miền Trung nói riêng và vùng Bắc trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã có nhiều thay đổi cả về nhận thức và tư duy của cấp ủy và chính quyền.

Lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố VKTTĐ miền Trung đối thoại cùng nhau

Nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương hưởng ứng, nhiều thể chế, cơ chế, chính sách đã được ban hành; nhiều nguồn lực đã được bố trí và liên kết vùng VKTTĐ đã mang lại một số kết quả tích cực như: Một số khung khổ pháp lý về liên kết phát triển vùng đã được ban hành, xác định được các nguyên tắc và lĩnh vực trọng tâm liên kết giữa các địa phương trong vùng; các giải pháp về liên kết phát triển vùng được đưa ra thảo luận, bàn bạc, thống nhất thông qua tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng…. ;

Ông Trần Tuấn Anh nói thêm, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39- NQ/TW ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng VKTTĐ miền Trung; các chuyên gia, nhà khoa học.

Các tham luận, ý kiến của lãnh đạo một số Bộ, ngành được đúc rút ra, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực cho vùng; trao đổi của Thường trực Tỉnh ủy các địa phương là kết quả từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo liên kết vùng; thảo luận và ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học là sản phẩm của nghiên cứu về liên kết và phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO