Vùng kinh tế trọng điểm: Không thể mạnh ai nấy làm

Nguyên Khánh 31/05/2020 08:00

Vùng kinh tế trọng điểm không phải là những câu lạc bộ, theo đó, các địa phương đề cao trách nhiệm tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng kinh tế, góp vào mục tiêu phát triển chung của đất nước. Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến các vùng kinh tế trọng điểm.

Vùng kinh tế trọng điểm: Không thể mạnh ai nấy làm

Giao thông - yếu tố quan trọng kết nối kinh tế vùng.

Chưa là điểm tựa đột phá

Với vai trò là những nhân tố đột phá then chốt đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong 10 năm qua, 24 tỉnh, thành trong 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ, vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long) luôn đóng góp trên 2/3 quy mô tổng sản phẩm trong nước. Trong đó, vùng KTTĐ phía Nam là động lực chính, đóng góp gần 37% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Còn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đóng góp trên 27%. Tính trung bình, 1% tăng trưởng của 4 vùng KTTĐ sẽ làm tăng tổng sản phẩm trong nước được 0,61%.

Đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng GDP của cả nước nhưng vì sao người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại bày tỏ sự lo ngại khi mà các vùng KTTĐ sẽ chỉ sinh hoạt giống các câu lạc bộ mà thiếu đi những sự nỗ lực, quyết tâm để biến những vùng này trở thành những trụ cột kinh tế, lan tỏa sự phát triển cho các khu vực khác?

Thực tế thì hiện nay các vùng KTTĐ chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước. Dù có đóng góp vào sự tăng trưởng chung nhưng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thấp của vùng KTTĐ còn thấp. Tại sao lại thấp, có rất nhiều lý do trong đó mô hình tăng trưởng các vùng trọng điểm của Việt Nam vẫn không thoát khỏi thực trạng chung của cả nước: đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, thiếu sự cân đối trong giải quyết các mối quan hệ liên ngành, không khai thác được các thế mạnh về lao động hay tài nguyên cho tăng trương kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến các vùng này chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của mình.

Một điểm nữa, mặc dù các tiêu chí về kinh tế, xã hội, kỹ thuật có dấu hiệu nổi trội hơn mức độ trung bình của cả nước, nhưng các vùng KTTĐ nước ta chưa thể tạo ra được những bước đột phá trong phát triển, chưa có khả năng thể hiện và khẳng định vị thế, sự lan tỏa hay chỗ dựa đáng tin cậy đối với cả nước. Quá trình hình thành và phát triển vùng trọng điểm vẫn bị chi phối nặng nề bởi quan điểm hành chính, mở rộng phạm vi không gian gắn với địa giới hành chính. Điều đó làm “mờ đi” các yếu tố nổi trội và làm “yếu đi” khả năng đảm nhận sứ mạng là “điểm tựa đột phá” cho kinh tế cả nước.

Trên thực tế, mỗi vùng, mỗi địa phương đều có những nét đặc thù riêng tạo nên thế mạnh của mình, các thế mạnh đó có thể là điều kiện tự nhiên, khoáng sản, có thể là điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hay những khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy vậy nhìn toàn cục, các địa phương đều có xu thế phát triển với “bộ khung” khá giống nhau, chồng chéo, không có sự phân công, chuyên môn hóa để thực hiện các mối liên kết ngành kinh tế. Phát triển vẫn theo kiểu mạnh ai lấy làm thì đâu cần lập lên những vùng KTTĐ.

Phải là cực tăng trưởng

Để phát huy vai trò của các động lực tăng trưởng kinh tế này, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, riêng trong năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị với 4 Hội đồng vùng KTTĐ và ban hành 4 chỉ thị về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và liên kết giữa các tỉnh ở mỗi vùng.

Để 24 tỉnh, thành trong 4 vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành các động lực tăng trưởng qua đó, kéo theo sự phát triển của các địa phương khác, các Phó Thủ tướng, cũng như lãnh đạo các bộ và địa phương đều kiến nghị Thủ tướng sớm giao các Bộ nghiên cứu xây dựng thể chế pháp luật cho những vùng KTTĐ, để các vùng có địa vị pháp lý, không thể duy trì cơ chế Hội đồng vùng hoạt động như một câu lạc bộ. Bên cạnh đó, cần hình thành các Ban chỉ đạo vùng để chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng, cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây là yêu cầu cần triển khai sớm, cần làm kỹ, rà soát đầy đủ trên các lĩnh vực để khắc phục cho được những vướng mắc hiện nay, khắc phục tình trạng “trùng dẫm” hay “mạnh ai nấy làm”.

Thật vậy, không thể có một mẫu số chung cho tất cả các vùng KTTĐ phát triển theo kiểu hàng ngang như trước. Trong 4 vùng KTTĐ mỗi vùng phải tận dụng và phát huy lợi thế của mình để phát triển. Cụ thể, với vùng KTTĐ Bắc bộ với trọng tâm là “tam giác phát triển” gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

Vùng KTTĐ miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch. Cần có đề án phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây Nguyên thành vùng trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới.

Vùng KTTĐ phía Nam phải tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới.

Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng có trình độ phát triển chưa cao, cần phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây... Phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến. Thực hiện tốt Nghị quyết 120/N Q-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tạo ra các cơ chế chính sách nhằm tạo dựng vững chắc, toàn diện, đồng bộ và hợp lý các vấn đề mang tính pháp lý về khung định hướng, phân bố không gian, tổ chức mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật cho sự phát triển bền vững cho vùng KTTĐ.

Các cơ chế chính sách nhằm hướng tới những thể chế ngày càng đầy đủ hơn cho việc thực hiện mục tiêu và nghĩa vụ lan tỏa phát triển của các vùng KTTĐ với cả nước nói chung và các vùng chậm phát triển nói riêng. Tính chất tối ưu trong thực hiện mục tiêu này là: làm thế nào để các chính sách không chỉ hướng tới những nghĩa vụ của các vùng KTTĐ cần phải làm đối với các vùng chậm phát triển mà điều quan trọng là các chính sách đạt được hiệu ứng “hai trong một”, tức là, nó vừa có khả năng tạo sự tập trung về kinh tế và khả năng thu hút nguồn lực vào vùng trọng điểm và mặt khác lại có tác dụng tạo cơ hội cho sự hội nhập về mức sống cho các vùng chậm phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương trong vùng KTTĐ tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau. Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, không nên coi đây là sinh hoạt câu lạc bộ mà phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương.

Vùng kinh tế trọng điểm: Không thể mạnh ai nấy làm - 1

Ông Vũ Tiến Lộc.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Cái “bắt tay” còn mang tính tự phát

Những lợi thế của vùng KTTĐ chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Điển hình như, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ. Không chỉ vậy, chất lượng phát triển đô thị còn thấp, nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa đảm bảo hết nhu cầu an sinh xã hội.

Cụ thể, với khu vực KTTĐ phía Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, quy hoạch và cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, thiếu những điểm đột phá toàn diện, liên kết vùng còn lỏng lẻo, sự liên kết giữa các tỉnh thành trong vùng còn mang tính tự phát.

Vùng kinh tế này cũng chưa có trung tâm liên kết. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn mang tính chất tự phát, không cộng sinh được, không tích hợp được với nhau.

Chưa kể, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thể so sánh của Vùng. Chính vì vậy, để phát huy hơn nữa tiềm năng của Vùng, hơn ai hết doanh nghiệp phải là trung tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng kinh tế trọng điểm: Không thể mạnh ai nấy làm