Để đẩy nhanh quá trình thực hiện di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố.
Chiều 10/11 phát biểu tại tổ về dự án Luật Thủ đô sửa đổi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô thời gian qua, thành phố đã tiến hành đồng thời tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Dũng cho rằng, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cao hơn trước. Bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Từ thực tế đó, theo ông Dũng, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Nhiều nội dung trong Luật Thủ đô năm 2012 còn bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tiễn. Một số nội dung nếu thực hiện thì không đúng quy định vì chưa có cơ chế. Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội.
“Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ là phải xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực. Bởi hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn giao quyền nửa vời”-ông Dũng nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhắc đến việc phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc quy hoạch nông thôn của Hà Nội rất quan trọng khi tiến trình đô thị hóa nông thôn ngày càng lớn. Trong đó, cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho thành phố. Dù phát triển đô thị đến mấy cũng phải giữ được truyền thống văn hóa, không để đô thị hóa ảnh hưởng đến văn hóa nông thôn.
Về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội, ông Dũng cho rằng HĐND thành phố Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Thành phố cũng cần được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, theo ông Dũng, song hành cùng các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Liên quan đến di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị, để đẩy nhanh quá trình thực hiện cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố. Các nội dung này phải được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.
“Sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát”-ông Dũng thông tin.