Liên kết để thúc đẩy thị trường gỗ

Khanh Lê 08/11/2022 06:36

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó 30 - 40% là gỗ rủi ro. Điều này đã và đang có những tác động tiêu cực tới ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là ở lĩnh vực xuất khẩu.

Cần có cơ chế để phát triển đồ gỗ tại thị trường nội địa.

Phát triển tự phát

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng trên 300 làng nghề với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ tại các làng nghề này vẫn hoạt động theo hình thức tự phát, chưa chuyên nghiệp. Đến nay hầu như chưa có sự kết nối giữa các làng nghề và các công ty trong ngành gỗ. Nói cách khác, các làng nghề tồn tại tương đối biệt lập, chưa trở thành một bộ phận của chuỗi cung ứng.

Đáng chú ý, theo ông Lập, ngành gỗ Việt Nam đã trở thành một trong những ngành mạnh nhất trong khối nông – lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trong khi khâu xuất khẩu nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư thì thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức.

“Từ giữa năm 2022 đến nay, xuất khẩu đồ gỗ gặp rất nhiều khó khăn do đối tác ở các nước nhập khẩu ngừng ký kết và tạm hoãn thực hiện các đơn hàng mới. Vì vậy, đưa đồ gỗ hướng vào tiêu thụ tại thị trường nội địa” - ông Lập nói.

Một vấn đề đáng lưu tâm đó là, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó 30 - 40% là gỗ rủi ro. Việt Nam nhập khẩu gỗ rủi ro đã và đang có những tác động tiêu cực tới ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là ở khâu xuất khẩu. Vụ điều tra 301 của Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ về ngành gỗ Việt Nam cuối năm 2020 là một ví dụ điển hình về tác động tiêu cực này.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ để loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, cả trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu không những giúp Chính phủ thực hiện cam kết này, mà còn giúp giảm rủi ro cho cả ngành gỗ, bao gồm cả khâu xuất khẩu. “Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu đòi hỏi các hộ tại các làng nghề chuyển sang sử dụng các loại ít rủi ro, bao gồm gỗ rừng trồng trong nước hay các loại ván. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ dàng” -ông Lập nhấn mạnh.

Thực tế đã có nhiều làng nghề chuyển đổi từ gỗ tự nhiên sang gỗ rừng trồng và nhập khẩu sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn so với số làng nghề truyền thống hiện nay.

Có chính sách hỗ trợ làng nghề

Trước thực tế trên, theo các chuyên gia việc hình thành mô hình liên kết giữa công ty trong ngành gỗ và hộ gia đình tại một số làng nghề là hướng đi mới. Trước đây, người dân ở các làng nghề quan niệm rằng chỉ gỗ rừng nguyên sinh mới có thể sản xuất được đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Nhưng thực tế nhiều loại gỗ rừng trồng nhập về từ châu Âu, và ngay cả một số loại gỗ công nghiệp cũng có thể sử dụng để chế tác được ra các sản phẩm tinh xảo có giá trị.

Khẳng định việc liên kết giữa các làng nghề là giải pháp then chốt, song theo ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), với tay nghề cao của lao động, làng nghề Đồng Kỵ hoàn toàn có thể sản xuất các đơn hàng, sản phẩm mà phía các doanh nghiệp yêu cầu. Tuy nhiên ông Vương không khỏi băn khoăn về vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề. "Chúng tôi cần sự cam kết của doanh nghiệp trong việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chứ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào" - ông Vương nói.

Để các làng nghề liên kết, TS. Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Nên coi thị trường nội địa là hợp phần không thể tách rời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới xuất khẩu.

Để loại bỏ gỗ rủi ro ra khỏi chuỗi cung ứng, cần cơ chế chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc tìm kiếm nguồn cung gỗ nguyên liệu thay thế cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra,… Việc này không chỉ là trách nhiệm của riêng làng nghề mà cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp - ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để thúc đẩy thị trường gỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO