Liên kết gỡ khó cho ngành chăn nuôi

Khanh Lê 17/03/2023 07:38

Giá thịt gia súc, gia cầm tiếp tục giảm mạnh khiến các hộ chăn nuôi lỗ nặng. Tuy nhiên, giá thịt tới tay người tiêu dùng lại chỉ giảm nhẹ.

Sức mua giảm khiến giá thịt lợn hơi giảm sâu.

Sức mua giảm

Theo khảo sát của PV, giá lợn hơi trong cả nước hiện dao động khoảng 46.000 - 52.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm xuống còn 47.000-50.000 đồng/kg; tại miền Nam là 49.000-52.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ, nhất là đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Ông Dương Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện nay, giá gia cầm luôn ở trạng thái thấp hơn giá thành; giá gà trắng chỉ 20.000 - 23.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thành sản xuất từ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Gà lông màu 33.000 - 37.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 39.000 - 43.000 đồng/kg.

Theo các chủ trang trại, đàn gia súc, gia cầm trong nước tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt giảm mạnh do khó khăn kinh tế, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm do nhiều công ty cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng.

Giá thịt lợn hơi giảm mạnh, song khảo sát của PV tại các chợ dân sinh tại Hà Nội cho thấy giá bán lẻ vẫn neo cao. Cụ thể giá thịt lợn tại một số siêu thị vẫn dao động từ 95.920 - 151.920 đồng/kg. Còn tại các chợ dân sinh là 110.000 đến 120.000 đồng kg, sườn non vẫn ở mức 130.000 đồng/kg, giá thịt gà lông vẫn có giá 100.000 đến 110.000 đồng/kg.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tổng đàn heo cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Ước cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022.

Trong đó, sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022. Các chuyên gia nhận định, sức mua giảm mạnh, trong bối cảnh dư cung còn tiếp diễn, dự báo giá thịt heo, gà còn giảm tiếp.

Liên kết để vượt khủng hoảng

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ NN&PTNT với người chăn nuôi tại Đồng Nai mới đây, các chủ trang trại đều phản ánh tình trạng giá thức ăn chăn nuôi quá cao, trong khi giá thịt lợn hơi đang giảm, khiến người chăn nuôi bị thua lỗ.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng không riêng ở Việt Nam, mà giá heo hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn.

Cũng theo ông Thắng, dự báo sang quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Trong khi giá nhập khẩu một số chủng loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã giảm so với năm 2022 như: đậu tương, lúa mỳ, ngô…

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm đều có xu hướng giảm. Để ổn định tình hình chăn nuôi, các trang trại cần liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín, hình thành chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh cung cấp ra thị trường. Cùng với đó, các hợp tác xã, trang trại cần tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất; đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên (ngô, khoai mì...) để từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi cần liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng cần thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường. Ngành chăn nuôi cũng cần quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và ổn định nguồn cung - cầu trong nước, theo ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), các ngành chức năng cần hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất; đưa ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết gỡ khó cho ngành chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO