Liên kết trong hệ sinh thái mới

Miên Thảo 20/04/2022 05:11

Chuyển đổi số được coi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng nhận thức đầy đủ, đầu tư thích đáng để đổi mới, thay đổi phương thức hoạt động. Nhất là với những doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác khách nội địa. Cách làm “bóc ngắn cắn dài” vẫn khá phổ biến.

Du lịch được coi là ngành “lĩnh ấn tiên phong” phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành trọng trách đó thì chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, kết nối thích ứng với nhu cầu thay đổi của du khách, của hoàn cảnh mới không chỉ là để “tự cứu mình” sau cơn khủng khoảng vì đại dịch Covid-19 mà còn để hội nhập, phát triển bền vững.

Tới nay, không một hãng lữ hành nào không nhận ra tiện ích của phần mềm quản trị dữ liệu khách hàng và điều hành quản trị. Trước khi áp dụng chuyển đổi số, nhân viên bán hàng phải mở từng văn bản trên máy tính (file word) để điền thông tin; nếu không làm đúng định dạng chuẩn, chỉ sai một khâu là lệch toàn bộ. Đến khi khách có sự thay đổi chương trình, nhân viên phải làm lại mất khoảng 30 phút.

Trong khi đó, khi ứng dụng nền tảng công nghệ, toàn bộ mẫu chuẩn được thống nhất nên nhân viên và quản lý điền trên cùng một hệ thống quản trị. Trường hợp thay đổi chương trình, nhân viên chỉ mất khoảng 2 phút.

Đại diện Công ty Travelogy Việt Nam cho biết, trước đây với 100 đơn đặt hàng (booking) cần 10 nhân viên xử lý trong 1 ngày, nhưng sau khi chuyển đổi số thì 1 nhân viên có thể xử lý được 50 booking trong 1 ngày và họ có thể làm ở nhà nếu muốn. Từng đấy công việc, trước cần 10 người thì nay chỉ cần 2 người.

Đáng chú ý, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, khách không thể đi du lịch nhưng trên nền dữ liệu sẵn có các nhân viên vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu nhằm giới thiệu sản phẩm phù hợp và cũng là để chuẩn bị “khách hàng tiềm năng” khi hoạt động du lịch trở lại sau dịch. Nói tóm lại, cho dù phải tạm dừng hoạt động thì với phần mềm quản trị thì đơn vị du lịch vẫn có đầy đủ dữ liệu khách hàng, cho dù có phải trở lại từ con số 0 đi chăng nữa.

Tuy nhiên, tiện ích của chuyển đổi số trong du lịch không chỉ có vậy, mà rộng hơn nó còn tạo dựng hệ sinh thái thông minh, hội nhập quốc tế, tăng tính cạnh tranh, không phụ thuộc trung gian, tạo ra mối liên kết rộng và minh bạch.

Nói như ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì chuyển đổi số trong du lịch không chỉ là xu thế mà là hiệu quả kinh doanh. Khi khách hàng ngày càng đặt dịch vụ qua mạng mà đơn vị cung cấp không chuyển động theo thì doanh nghiệp đang tự loại mình ra khỏi cuộc đua.

Nhân đây, cũng xin được dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thế Kiên (Trung tâm Dữ liệu và Phân tích kinh tế - xã hội, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tại hội thảo “Cuộc cách mạng chuyển đổi số và những thách thức cho doanh nghiệp du lịch”, do Viện Du lịch Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/7/2021. Theo ông Kiên thì chuyển đổi số thúc đẩy điều chỉnh hành vi của khách du lịch, doanh nghiệp và các điểm đến du lịch. Mà điểm mấu chốt là các hoạt động du lịch phải khai thác tối đa tiến bộ công nghệ thông tin và nền tảng internet.

Chuyển đổi số được coi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng nhận thức đầy đủ, đầu tư thích đáng để đổi mới, thay đổi phương thức hoạt động. Nhất là với những doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác khách nội địa. Cách làm “bóc ngắn cắn dài” vẫn khá phổ biến.

Chính vì thế, chất lượng du lịch trong nước có độ vênh lớn so với du lịch phục vụ khách nước ngoài. Cùng đó, vấn đề rất đáng quan tâm là cách làm truyền thống vắng bóng công nghệ mới đã không tạo ra được mối liên kết giữa các điểm du lịch, dẫn đến các tour thường là ngắn ngày, gần, trong một tour du khách ít được tới nhiều điểm tham quan.

Một ví dụ rất cụ thể đối với du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Đây là vùng nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, du lịch miền núi, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa... Các điểm tham quan cũng rất nhiều, lại không quá cách xa nhau nhưng do thiếu kết nối nên đã không khai thác được thế mạnh.

Trong nhiều hội thảo, câu hỏi quen thuộc là: “Bao giờ du lịch miền Trung - Tây Nguyên cất cánh”? nhưng không nhận được câu trả lời rốt ráo. Nay, câu hỏi đó đã có câu trả lời: Muốn “cất cánh” thì phải ứng dụng triệt để chuyển đổi số để kết nối, không còn tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, để khách du lịch thấy mình được chăm sóc tốt - hay nói cách khác là mất tiền thì cũng bõ một chuyến đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết trong hệ sinh thái mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO