Lo cùng dân, lo trước dân

Nam Việt 18/01/2021 06:30

Sau 3 ngày trời hửng, ấm hơn chút ít, thì từ đêm 16/1, không khí lạnh lại tăng cường. Năm nay, mùa đông đến sớm và nhiệt độ cũng thấp hơn trung bình nhiều năm trên cả ba miền đất nước. Miền Nam rất nhiều năm rồi mới có ngày nhiệt độ dưới 16 độ C. Miền Trung không khí lạnh đem theo mưa phùn khiến cho cái rét ngấm sâu hơn. Còn với miền Bắc, khu vực đồng bằng đã rất rét, vùng núi cao còn rét hơn. Có ngày nhiệt độ ở Y Tý (Lào Cai) xuống tới âm 4 độ C.

Người dân huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) dùng bạt để giữ ấm cho trâu bò trong những ngày mưa rét. Ảnh: Minh An.

Thật đáng lo ngại khi một đợt rét mới lại tới với dự báo nền nhiệt còn xuống thấp hơn lần vừa rồi và cũng kéo dài.

Trong khi đó, thông tin có tới hơn 900 con gia súc của người dân ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị chết do rét, càng khiến mối lo tăng lên.

Ngay 14/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phải có công văn yêu cầu thành lập đoàn công tác đánh giá nguyên nhân về việc trên địa bàn huyện A Lưới có hơn 900 con trâu, bò, dê chết do ảnh hưởng của mưa rét. Đây phải coi là chuyện bất thường vì chỉ ở một huyện, qua một đợt rét mà gia súc đã chết “như ngả rạ”.

Trước đó, báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện A Lưới cho biết, trong đợt mưa rét giá lạnh vừa qua (chủ yếu từ giữa tháng 12/2020 đến giữa tháng 1/2021) đã có 900 gia súc bị chết do lạnh. Trong đó có 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê. Số gia súc chết nhiều tại các xã Hồng Thủy, Lâm Sơn, A Đớt, tuy rằng bà con vẫn nhốt gia súc trong chuồng để tránh rét. Thông tin cũng cho biết, do từ đầu tháng 10/2020 đến nay, toàn huyện bị mưa nhiều nên cỏ cây chết nhiều, vì thế nguồn thức ăn cho gia súc bị cạn kiệt, dẫn đến chết đói và rét.

Đúng là đói và rét, đói làm cho cái rét lạnh hơn.

Được biết, Phòng Nông nghiệp huyện A Lưới đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ khoảng 40 tấn cám gạo để chống đói rét cho đàn gia súc. Trước mắt, xuất cấp 14 tấn cám gạo cho các hộ chăn nuôi; Phân công cán bộ về các thôn, hộ gia đình kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện và áp dụng mọi biện pháp tại chỗ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp về phòng chống đói, rét cho gia súc gia cầm và hỗ trợ người dân che chắn chuồng, áo chắn gió cho trâu bò.

Phòng Nông nghiệp huyện cũng đề xuất Chủ tịch UBND các xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét.

Nhưng, phải chăng mọi sự đã muộn màng khi mà có tới hơn 900 con gia súc bị chết trong một thời gian rất ngắn. Có thể thấy, số gia súc bị chết đói chết rét của một huyện thuộc một tỉnh miền Trung thôi đã nhiều hơn số gia súc của các tỉnh miền núi phía Bắc bị chết trong đợt rét vừa qua, tuy rằng vùng núi cao phía Bắc mới chính là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt rét.

Với người miền núi, gia súc, gia cầm là tài sản đáng giá của bất cứ hộ dân nào. Với hộ nghèo thì lại càng quan trọng. Nhiều gia đình tài sản lớn nhất chỉ là con trâu, con bò hay là một vài con dê. Biết rằng đói rét sẽ làm chúng dễ nhiễm bệnh, dễ bị chết nhưng nhiều gia đình không có thức ăn dự phòng bồi dưỡng cho chúng để chống chọi trong những ngày giá rét.

Vấn đề ở đây là chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm, phải lo trước cái lo của đồng bào. Khi sự việc đã xảy ra rồi mới ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân, phân tích việc này việc khác, kiến nghị này nọ… thì cũng không làm sống lại được cả gần ngàn con gia súc của người dân đã bị chết.

Quan trọng hơn nhiều ngay khi mùa đông đến thì cán bộ cơ sở vừa vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào cách phòng tránh rét cho vật nuôi, cây trồng; vừa phải nắm chắc tình hình hộ nào quá nghèo không có tiền làm chuồng cho trâu bò hay là không có tiền mua thức ăn tăng cường cho chúng. Khi đã nắm chắc được tình hình, rất cụ thể ở từng thôn bản thì mới đề xuất đúng, đề xuất kịp thời. Lo cùng dân, lo trước dân thì đó mới là công bộc của dân.

Viết tới đây lại nhớ đến cảnh trong những ngày rét cắt da cắt thịt, trên những con đường quanh co lạnh lẽo thưa người đi lại ở miền núi, lại thấy có người mang thịt trâu, thịt bò ra bán. Đó là thịt của những vật nuôi “đầu cơ nghiệp” bị chết rét. Chợt nghĩ, những ngày qua, ở A Lưới (Thừa Thiên-Huế), chắc nhiều người dân phải mang thịt trâu, bò, dê đi bán lắm. 900 con nào có ít gì. Số tiền họ thu lại hỏi được bao nhiêu?

Một đợt lạnh kéo dài nữa lại tới, không biết còn ai trong số những hộ dân miền núi lại phải lo toan vì đàn vật nuôi phải chết cóng. Và Tết cũng đang đến rất gần, liệu bà con có được một cái Tết vui?

Lo cùng dân, lo trước dân, đó không phải là việc gì quá sức, quá xa vời, chỉ là thiếu hai chữ “trách nhiệm” mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo cùng dân, lo trước dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO