'Lỗ hổng' trên mạng xã hội

thanh xuân 27/03/2021 09:00

Sự “bùng nổ” của mạng xã hội trong thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tiềm ẩn nhiều mặt trái, khiến dư luận băn khoăn. Đặc biệt, mới đây, vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn làm video clip “xin vía học giỏi” từ búp bê ma tung lên mạng xã hội, hướng tới đối tượng là học sinh, đã gây phẫn nộ trong dư luận, là giọt nước tràn ly khiến câu chuyện bảo vệ an toàn cho trẻ em trong môi trường mạng lại nghiêm túc được đặt ra.

Hình ảnh trong video “xin vía học giỏi” từ búp bê ma của YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải mạng xã hội.

1. Bây giờ ai cũng có thể lập một vài trang cá nhân trên mạng xã hội, và có thể đăng tải bất cứ thứ gì lên đó. Những YouTube, Facebook, hay TikTok… cho phép người dùng dễ dàng chia sẻ, trao đổi thông tin với những người khác trên không gian mạng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Mạng xã hội giúp con người có thể liên kết với nhau chỉ qua cú nhấp phím…

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội thời gian gần đây tiếp tục bộc lộ những mặt trái đáng lo ngại. Điểm qua thôi cũng đủ chuyện: Nào là giả mạo người thân nhờ nạp thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản. Nào bịa ra “kịch bản” người dùng trúng thưởng; có quà tặng giá trị đang đợi để lừa đảo. Rồi, cũng qua mạng xã hội, đối tượng xấu còn giả mạo cán bộ công an, luật sư đe dọa tống tiền các nạn nhân; thông báo đến nạn nhân về việc chuyển nhầm tiền... Thậm chí, nhiều người bị hack facebook, sau đó đối tượng đã hỏi vay tiền nhiều người quen thân…

Bên cạnh đó, vấn nạn tin giả, tin không đúng sự thật đã được các đối tượng xấu lợi dụng “bơm thổi”, xuyên tạc, cắt xén trên các nền tảng mạng xã hội để gây ảnh hưởng, nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín, lôi kéo kích động đám đông. Một chuyện khác, đó là những tội phạm mạng đã phát tán mã độc đào tiền ảo thông qua các mạng xã hội, nhằm lợi dụng tài nguyên máy tính của người dùng phục vụ việc đào tiền mã hóa...

Người dùng có thể dễ dàng tham gia các trò chơi/ứng dụng cùng nhau trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ít người dùng để ý đến các quyền mà các trò chơi/ứng dụng muốn truy cập. Những tác hại mà trò chơi/ứng dụng gây ra có thể đơn giản như làm tiêu tốn băng thông 3G/4G, nhận được nhiều thông báo rác, thường xuyên bị gắn thẻ (tag) vào những bài viết không liên quan, nguy hại hơn là có thể bị mất tài khoản.

Những mặt trái ấy thường hướng tới đối tượng là người trưởng thành, giàu có, hoặc nhẹ dạ cả tin. Nhưng khi mặt trái của mạng xã hội tấn công vào thanh, thiếu nhi, gieo rắc những thói hư tật xấu, hoặc làm méo mó nhân cách trẻ thì dư luận cực lực lên án. Như vụ việc mới đây, YouTuber Thơ Nguyễn đăng video clip “xin vía học giỏi” từ búp bê ma là ví dụ. Xin nhắc lại: Kênh Thơ Nguyễn trên YouTube được khởi tạo từ tháng 3/2016, đến nay có sự theo dõi của hơn 8,7 triệu lượt người. Tại Việt Nam, kênh Thơ Nguyễn đang được xếp thứ 7 về kênh YouTube có nhiều người theo dõi nhất.

2. Sự phát triển của mạng xã hội cho người ta nhiều cơ hội. Song song với sự nổi tiếng là cơ hội kiếm tiền. Vì thế, gần đây có không ít người đã đầu tư thời gian, thậm chí bỏ công việc ổn định lương “ba cọc ba đồng” để lao vào sản xuất các video clip tung lên các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok... YouTuber Thơ Nguyễn, và trước đó là bà Tân Vlog hay con trai của bà, là những ví dụ sinh động cho thấy một trào lưu kiếm tiền trên mạng xã hội.

Với hơn 1.100 video clip đã đăng, chuyên gia công nghệ tính toán, mỗi tháng kênh Thơ Nguyễn thu về trung bình khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, với những clip “siêu to khổng lồ”, mẹ con bà Tân cũng đã thu hút rất đông người xem. Theo đó, hàng loạt các quảng cáo được chèn vào, theo đó thu được khá nhiều tiền. Nắm được xu hướng người người, nhà nhà vào mạng xã hội, nhiều người đầu tư thiết bị để sản xuất video clip. Đã có những người chuyên “chế tạo” tin giật gân, hoặc bàn chuyện chính trường, nhân sự trong nước lẫn nước ngoài khiến bà con ở nhiều nơi “tin sái cổ”.

Nhưng như đã nói ở trên, đáng quan ngại hơn cả, là những người mở các kênh riêng hướng tới thu hút thanh, thiếu niên. Đây là một đối tượng rất tiềm năng. Nhiều gia đình thường xuyên mở YouTube để dụ con ăn, một số người khác “thả” con xem để bố mẹ còn làm việc nhà. Cũng có gia đình mỗi ngày cho con xem 30-40 phút, và sau những clip đầu tiên nghe/ xem/ học tiếng Anh thì con có thể tự tìm những video con thích… Chính điều này, nhiều YouTuber, TikToker đã tập trung sản xuất các video clip hướng tới trẻ em. Bên cạnh một số video có nội dung tốt, trang bị kiến thức, giải đáp kỹ năng sống thì còn rất, rất nhiều video có nội dung nhảm nhí, độc hại, đánh vào tò mò của trẻ nhỏ. Và thường, những video clip này lại xuất hiện ở những vị trí rất dễ tìm kiếm mỗi khi vào mạng. Hoặc nhiều khi, sau khi xem hết video clip chọn chủ động, thì những video clip câu view lại tự động tới…

Trở lại với kênh của YouTuber Thơ Nguyễn, không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, chủ kênh là bà N.T.H.T. (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đã ẩn hết toàn bộ clip đã đăng tải trong suốt mấy năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ kênh này đã “quá khôn ngoan”, ẩn đi để tránh sự mổ xẻ hàng loạt video khác ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em. Bởi với những ai đã từng theo dõi kênh Thơ Nguyễn, đều cảm thấy “khó trôi” với cách sản xuất video và nhắm vào đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Clip “xin vía học giỏi” chỉ là giọt nước tràn ly khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ!

Bà Tân Vlog cũng từng gây xôn xao mạng xã hội với các món ăn “siêu to khổng lồ”.

3. Dọn sạch “rác” trên mạng xã hội là điều bất khả thi. Hay nói cách khác, loại bỏ hết các video clip nhảm nhí, vô bổ, có yếu tố đầu độc tâm hồn trẻ em - nhất là trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển mạnh, lan sâu tỏa rộng như ở Việt Nam hiện nay - là cực kỳ khó. Ý kiến này của một chuyên gia, thoạt nghe có vẻ bi quan. Song nghĩ kỹ, đó là thực tế ta phải chấp nhận. Ở thời điểm này, loài người phải sống chung với mạng xã hội. Mặt tốt chúng ta thừa hưởng và tiếp tục khai thác; còn mặt xấu thì chung tay sàng lọc, tẩy chay.

Bên cạnh cần những công cụ sàng lọc mạnh hơn, sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng thì chính sự giám sát, phát hiện của cộng đồng là thứ “vaccine” hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn.

Quay trở lại với video clip “xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn, chỉ ít phút sau khi tài khoản này đưa lên mạng, nhiều người đã bày tỏ thái độ gay gắt. Và chính mạng xã hội cũng đã tạo nên làn sóng khiến chủ kênh Thơ Nguyễn phải “thay đổi thái độ”. Đặc biệt, tối 15/3, sau buổi làm việc với Sở TT-TT tỉnh Bình Dương, chủ kênh Thơ Nguyễn là N.T.H.T. đã đăng video “Tạm biệt”, trong đó có nội dung xin “cúi đầu nhận lỗi với quý phụ huynh và các em nhiều điều”. Tiếp theo, chủ kênh Thơ Nguyễn đã ẩn hết video cũ, tắt nút kiếm tiền. Trong video, Thơ Nguyễn và ê kíp thừa nhận mình “dù đúng dù sai vẫn là người có lỗi”, trong đó “lỗi lớn nhất là sự thiếu sót của bản thân gián tiếp gây ra sự tổn thương cho các em nhỏ…”.

Theo luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP HCM), với vụ việc vừa rồi, chủ kênh Thơ Nguyễn “có dấu hiệu của hành vi cung cấp và tuyên truyền thông tin mê tín dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến khán giả nhỏ tuổi”. Ngoài ra, video của Thơ Nguyễn có dấu hiệu của hành vi lợi dụng mạng xã hội “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc” tại điểm b, khoản 1, điều 101 của nghị định 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt tiền đối với hành vi là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Từ vụ việc này có thể thấy rằng, nếu cộng đồng cùng hợp sức chung tay, thì những người tạo ra cái xấu, cái ác, cái giả trên mạng xã hội phải chùn bước. Rõ ràng, nếu có sự vào cuộc của nhiều phía, thì những video clip câu view, phản cảm hoặc đầu độc trẻ em sẽ bị đẩy lùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Lỗ hổng' trên mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO