Lo lắng tỷ lệ ảo

Vi Cầm 07/06/2023 06:20

Vừa qua, nhiều trường đại học (ĐH) công bố tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao ngất ngưởng; có những trường tỷ lệ này lên tới 100% ở nhiều ngành. Nhiều quan điểm cho rằng, cần có đơn vị độc lập để khảo sát, đánh giá tỷ lệ việc làm của sinh viên một cách khoa học, sát thực hơn.

Bộ GDĐT mới đây đã ban hành thông tư 10/2023/TT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH (sửa đổi, bổ sung thông tư cũ), sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6 tới đây. Trong đó có quy định các trường ĐH phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.

Điều đáng nói là lâu nay, nhiều trường ĐH công bố tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao ngất ngưởng, có trường tỷ lệ này lên đến 100% tất cả các ngành.

Đơn cử, báo cáo mới nhất trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, hàng loạt ngành nghề đào tạo có tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm. Có rất nhiều ngành có tỷ lệ việc làm trên 90%. Trường ĐH Luật TPHCM thông tin, tỷ lệ sinh viên trường có việc làm tại trường trong năm đầu tiên tốt nghiệp là 92,44%, trong đó 11% sinh viên có việc trước tốt nghiệp; Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cũng công bố hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm (trong đó 3 ngành: Kế toán, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Trung Quốc có tỷ lệ 100%). Hay theo thông tin từ Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, hơn 94% sinh viên ra trường có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp…

Những con số theo báo cáo của các cơ sở đào tạo gây nghi ngờ vì có khoảng cách khá lớn so với báo cáo phân tích về giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổng hợp số liệu từ 181 trường ĐH và 40 trường CĐ. Cụ thể, báo cáo này cho thấy, tỷ lệ sinh viên ĐH có việc làm so với tổng số sinh viên tốt nghiệp năm 2018 đạt khoảng 65,5%.

Trên thực tế, có nhiều số liệu khác nhau về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, thất nghiệp. Có thể nhận thấy, con số của các trường đều có gam “màu hồng” tươi sáng. Trong khi thực tế việc làm, tình trạng thất nghiệp trên thị trường lao động không được như vậy. Chẳng hạn, báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho thấy, tính đến hết năm 2022, thành phố có gần 104.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp với gần 2,5 triệu lao động…

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm mang nhiều ý nghĩa. TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ Việt Nam cho rằng, đây là con số biết nói thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tất nhiên, đó không phải là những số liệu “bốc thuốc” mà phải được thống kê, khảo sát bài bản, khoa học và có đủ cơ sở tin cậy. Muốn vậy, các trường cần có minh chứng rõ ràng, thực chất để xã hội tin tưởng.

Cụ thể, cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm báo cáo, thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện đúng các quy định, cam kết của cơ sở giáo dục ĐH. Những thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, học phí, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đều phải công khai trên kênh thông tin chính thức của trường để người học, xã hội tham khảo, giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo lắng tỷ lệ ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO