Lo ngại 'sốt đất' có thể tái diễn vào cuối năm?

Vân Giang 30/06/2021 08:00

Do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng người quan tâm và lượng tiền đổ vào bất động sản đang suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, có thể cuối năm lại xảy ra một đợt sốt đất diện rộng.

Chỉ cách đây vài tháng, đất vùng ven Hà Nội, TP HCM lên giá bất thường khiến nhiều ý kiến lo ngại khi dịch bệnh được kiểm soát rất có thể bùng phát sốt đất vào dịp cuối năm.

Báo cáo của Colliers Việt Nam chỉ ra, từ cuối tháng 4 đến tháng 5/2021, lượng tìm kiếm và đặt hàng đất nền đã giảm từ 10 - 20%. Nhiều khu vực trước đó sôi nổi lượt tìm kiếm thì nay đã giảm mạnh.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong tháng 5, dịch Covid-19 lần 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành khiến mức độ quan tâm đến bất động sản loại hình đất nền giảm đến19%, đặc biệt là đất nền dự án giảm đến 23%.

Bên cạnh đó, một số dự báo của chuyên gia, có thể trong quý III của năm 2021, bất động sản sẽ đối mặt với hiện tượng khách hàng khó xuống tiền do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các khoản đầu tư của nhà đầu tư đang bị sụt giảm về thanh khoản, một vài nơi giảm giá cũng khiến tâm lý của nhà đầu tư bị xáo trộn.

Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, sau dịch giá đất sẽ tăng lại, ít nhất là 10 - 20% hoặc hơn nữa. Sẽ có làn sóng nhỏ đầu tư đất nền sau khi dịch được kiểm soát.

Theo vị chuyên gia này, hiện lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền trong dân còn lớn, họ cũng không biết đầu tư vào đâu, tâm lý an toàn vẫn là bỏ vào bất động sản. Cho nên, sau dịch Covid-19 nhiều người muốn mua mảnh đất xa thành phố để đó sau này làm secondhome, nhà vườn…là xu hướng dễ thấy. Hơn nữa, dịch kiểm soát tốt, kinh tế phát triển trở lại theo ông Quang dĩ nhiên kéo theo thị trường bất động sản tăng theo.

Chỉ ra những khu vực dễ sốt đất khi dịch đi qua, vị chuyên gia này cho rằng, đó là đất nền khu công nghiệp (Long An, Đồng Nai, Bình Dương); đất nền khu nghỉ dưỡng (Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng); ngoài ra, địa phương nào có chủ đầu tư có dự án quy mô, phát triển dài hạn thì đất nền cũng phát triển nóng theo.

Để có số liệu toàn cảnh về thị trường nhằm ngăn chặn sốt đất, mới đây Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương báo cáo về giải pháp, kết quả xử lý hiện tượng tăng giá đất thời gian qua.

Bởi, theo Bộ này, trong quý I có hiện tượng tăng giá đất cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương. Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương có giải pháp để kiểm soát quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản tại các địa phương.

Do đó, đề nghị các địa phương báo cáo các giải pháp và kết quả thực hiện theo yêu cầu tại văn bản nêu trên để ổn định thị trường bất động sản tại địa phương. Cụ thể như, diễn biến tình hình giá đất tại khu vực có hiện tượng sốt đất trong thời gian qua.

Nội dung báo cáo tập trung vào việc ban hành các văn bản do UBND tỉnh, cơ quan có thẩm quyền thuộc tỉnh ban hành đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; Về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành; Số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng; Giá nhà ở và một số loại hình bất động sản khác (chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền); Giá cho thuê văn phòng; mặt bằng thương mại; khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp; Tồn kho bất động sản;

Bộ cũng yêu cầu báo cáo những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp tháo gỡ (nếu có). Thời gian gửi báo cáo trước ngày 5/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại 'sốt đất' có thể tái diễn vào cuối năm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO