Lo ngại sức khỏe tâm thần

Thanh Mai 31/10/2021 19:00

Theo thông tin từ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, các nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy, có khoảng 50 triệu chứng gặp phải sau khi mắc Covid-19.

Một số triệu chứng về tâm thần - thần kinh là: đau đầu (44%), rối loạn chú ý (27%), rối loạn giấc ngủ (21%), mất khả năng nhớ (16%), lo âu (13%), trầm cảm (12%).

Đáng lưu ý, có cả các trường hợp mắc hội chứng Paranoid. Dù chỉ chiếm khoảng 0,3% nhưng hội chứng Paranoid là một rối loạn nhân cách khá đặc biệt, vì các triệu chứng gần với đời thường nên nhiều khi không được chú ý đến.

Có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân

Mới đây, chị T.H., 25 tuổi (Quận 10, TP HCM) được người thân đưa đến Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược trong tình trạng liên tục gào khóc, cào cấu khắp người và muốn tự sát. Người nhà cho biết, chị H. sống cùng người yêu, đã dự định kết hôn nhưng phải hoãn lại nhiều lần do Covid-19 diễn biến phức tạp.

Giãn cách xã hội dài ngày đã khiến công việc của chị gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm, đồng thời phát sinh mâu thuẫn khó hàn gắn với chồng sắp cưới trong bối cảnh phải ở trong nhà quá lâu. Lâu dần, chị không làm chủ được cảm xúc, thường xuyên gào khóc, thậm chí muốn cắt, rạch tay chân để tự sát khiến người thân và bạn trai vô cùng lo ngại.

Tiếp nhận thông tin, BS chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh (Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) nhận định: Khó khăn về kinh tế, quan hệ tình cảm đổ vỡ khiến chị H. bị sang chấn tâm lý, căng thẳng. Nguyên nhân một phần do tác động từ đại dịch. Từ đó bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn của bệnh nhân để cho thuốc, trị liệu tâm lý.

Theo BS Minh, T.H. là một trong những người tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám tâm lý trong những ngày gần đây. Lúc trước, một buổi có khoảng 5 bệnh nhân thì hiện nay số người đến khám tăng lên 10. Trong đó, 95% số họ ở tuổi 25-50.

Có 3 nhóm bệnh nhân đến khám sau giãn cách xã hội. Nhóm một là người từng có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần đã điều trị khỏi, hiện tái phát do ảnh hưởng của Covid-19. Nhóm hai là bệnh nhân mới, bị căng thẳng bởi các yếu tố kinh tế - xã hội tác động từ đại dịch như phá sản, thất nghiệp, bế tắc trong cuộc sống... Nhóm ba có người thân là F0, hoặc bản thân là F0, chịu nhiều đau thương mất mát sau đại dịch...

Thời gian này, lượng bệnh nhân tìm đến khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E Hà Nội, cũng tăng đáng kể. Trong số đó, bệnh nhân Nguyễn Hoa (18 tuổi) có hành vi tự hủy hoại bản thân, được gia đình đưa đến khám trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng, ít nói, ngại tiếp xúc với người lạ.

BS Nguyễn Viết Chung (Khoa Sức khỏe Tâm thần) cho biết, ban đầu cô gái bị đau bụng kéo dài, đã xét nghiệm, nội soi nhưng không tìm ra bệnh. Về sau, BS phát hiện Hoa có biểu hiện trầm cảm nặng, đã dùng dao dọc giấy rạch lên cơ thể, mỗi vết dài 2-3 cm nhưng gia đình không hay. Hiện, dưới hai cánh tay cô có khoảng 30 vết cắt chằng chịt. Chưa kể, trong thời gian nằm viện, bệnh nhân có ý định tự sát.

Tìm hiểu từ gia đình, bạn bè của cô, được biết, Hoa học giỏi nhiều năm liền nhưng sống tách biệt với gia đình, thu mình, ít bạn bè, tâm trạng luôn nặng nề với áp lực thành tích. Gần 3 tháng ở trong phòng không trò chuyện cùng ai khiến nữ sinh ngày càng bí bách và u uất, dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân.

“Sau mỗi lần làm tổn hại mình, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu hướng tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế”, BS Chung nói.

Điều trị thuốc kết hợp tư vấn tâm lý

Ngoài lo lắng và căng thẳng, đa số các bệnh nhân Khoa Sức khỏe Tâm thần tiếp nhận có tư tưởng chống đối, bất cần, bỏ ăn, rối loạn giấc ngủ... Nhóm bệnh này thường là nữ, tuổi từ 12 đến 20, gia đình khá giả nhưng bố mẹ ít quan tâm. Các bác sĩ cho rằng, những sang chấn tâm lý, căng thẳng này nếu kéo dài có thể gây hậu quả khác lên thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và cả cảm xúc, hành vi cá nhân.

Cuộc sống phức tạp hiện tại vốn đã tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Theo các chuyên gia y tế, đại dịch Covid-19 như là một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn.

“Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, suy nghĩ hoặc hành vi tiêu cực, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người khác”, BS Chung phân tích. Do đó, các thành viên trong gia đình cần quan tâm đến người bệnh nhiều hơn. Với người có xu hướng rối loạn tâm lý cần được đưa đi gặp bác sĩ. Ngoài ra, người dân có thể dùng liệu pháp ngâm chân nước nóng trước khi ngủ, tập thiền, yoga, sinh hoạt và ngủ nghỉ một cách khoa học...

Hiện có nhiều chương trình tư vấn miễn phí về tâm lý qua hình thức trực tuyến, nếu thấy người thân có biểu hiện bất thường nhưng ngại đưa đến bệnh viện khám, các gia đình có thể liên hệ đến tổng đài để được hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại sức khỏe tâm thần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO