Loại rau nào cần phải chần qua trước khi nấu?

P.Vân (tổng hợp) 03/03/2021 13:30

Có nhiều loại thực phẩm cần phải chần qua nước sôi trước khi nấu chín để loại bỏ chất độc tồn dư. Vậy loại thực phẩm nào cần phải chần qua trước khi nấu?

Chần là cách sơ chế phổ biến nhất trong quá trình nấu ăn. Thông qua việc chần, thực phẩm có thể phần nào loại bỏ được axit oxalic, dư lượng thuốc trừ sâu, nitrit và các chất độc hại khác. Đồng thời cũng có thể tối đa hóa việc giữ lại dinh dưỡng của thực phẩm, duy trì màu sắc của thực phẩm và cải thiện mùi vị món ăn.

Các chuyên gia sức khỏe trên tờ QQ và Newtoday mới đây đã liệt kê 5 loại thực phẩm cần chần qua nước sôi, chắt bỏ nước trước khi thực hiện các phương pháp nấu chín khác như xào, nướng, luộc.

1. Các loại rau có nhiều oxalic: Rau muống, rau dền, mồng tơi...

Cải bó xôi, rau muống, rau dền, mồng tơi, cần tây, mầm tỏi, cải cúc, cải thảo... là những loại rau được chứng minh là chứa nhiều axit oxalic nhất. Sau khi đi vào cơ thể, chất này phản ứng với canxi và tạo nên canxi oxalat không hòa tan. Từ đó làm giảm khả năng hấp thụ canxi, đồng thời tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Điều đáng mừng là axit oxalic trong rau dễ hòa tan trong nước, vì vậy việc chần rau trong nước nóng có thể làm giảm lượng oxalic đáng kể.

Cách thực hiện: Đun sôi nước rồi chần qua rau cho đến khi rau chuyển màu, quá trình này mất khoảng 1 phút. Không nên đun quá lâu vì sẽ phá hủy hết vitamin, đặc biệt là vitamin B.

2. Các loại rau giàu nitrat: Rau bina, cải xoắn, củ dền, khoai tây

Các loại rau giàu nitrat là rau bina, cải xoắn, củ dền, khoai tây, cải cúc...

Các loại rau tươi thông thường không có hàm lượng nitrit cao, nhưng trong quá trình bảo quản, nitrat trong rau có thể chuyển hóa thành nitrit. Khi đi vào cơ thể, nitrit có thể phản ứng với protein và tạo thành chất gây ung thư là nitrosamine.

May mắn thay, giống như axit oxalic, nitrat và nitrit cũng hòa tan trong nước và việc chần nước sôi trước khi nấu chín cũng có thể thúc đẩy quá trình hòa tan của chúng.

3. Loại rau khó rửa sạch: Súp lơ

Súp lơ rất ngon và giàu dinh dưỡng nhưng điều khiến các gia đình còn phân vân khi lựa chọn đó là quá trình rửa súp lơ không hề dễ dàng. Bề mặt súp lơ có nhiều lỗ li ti, có thể chứa nhiều bụi bẩn, các loại thuốc bảo vệ thực vật, hay thậm chí chứa những con bọ nhỏ.

Việc chần súp lơ qua nước sôi vừa giúp loại bỏ chất bẩn, vừa giúp chúng chín nhanh hơn, giòn hơn, và giữ được màu xanh tự nhiên sau khi xào.

Mẹo rửa sạch súp lơ: Cắt súp lơ thành những miếng nhỏ và cắt theo các nhánh ở phần dưới thân cây. Ngâm trong nước muối loãng để khử trùng, rồi thêm một thìa nhỏ baking soda vào, khuấy đều và ngâm súp lơ khoảng 5 phút. Sau khi ngâm khoảng 5 phút, lấy súp lơ ra và rửa lại với nước sạch khoảng 2-3 lần.

4. Các loại thịt, xương

Các miếng thịt lớn, chẳng hạn như miếng ức gà, chân gà, cánh gà, xương lợn... nên được chần qua một lượt nước trong vòng 2-5 phút rồi vớt ra, rửa sạch bằng nước lạnh, rồi mới đem nấu canh hay chiên, nướng.

Khi được chần qua nước nóng, protein trong thịt và xương sẽ đông lại, các vết máu và các chất có mùi dễ thoát ra ngoài, giúp món ăn thơm ngon và bổ dưỡng hơn.

5. Các loại măng

Trong măng có độc tố cyanide, độc tố này khi đi qua đường tiêu hóa sẽ biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng cyanide chỉ còn khoảng 9mg trong mỗi kg. Để tránh bị ngộ độc, trước khi nấu măng phải được luộc thật kỹ và rửa đi rửa lại rất nhiều lần. Nếu như bạn không luộc qua nước sôi thì dễ bị ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.

Lưu ý: Nếu chần rau thì nên bỏ thêm chút muối, cho vài giọt dầu ăn để rau trở nên xanh, bóng hơn. Nước chần rau đun với lửa lớn. Trong quá trình chần không được đậy nắp kín, nên đổ nước ngập rau.

Vớt ra ngay khi rau vừa chín rồi xả sơ qua nước lạnh để giảm nhiệt độ, tránh trường hợp ngâm rau trong nồi lâu sẽ khiến rau bị chín quá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại rau nào cần phải chần qua trước khi nấu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO