Loay hoay ‘bắt bệnh’ bất động sản

An Bình 24/10/2020 09:00

Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho phần lớn người dân hiện nay không có khả năng sở hữu được một căn hộ, thậm chí có những người công nhân làm việc đến hết đời cũng khó có thể mua được nhà nếu chỉ dựa vào thu nhập thực chất của mình.

Nguồn cung trong các phân khúc nhà ở lệch pha một cách trầm trọng khi con số được Bộ Xây dựng đưa ra mới đây cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, cả nước thực hiện được 248 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Trong khi đó, số căn hộ thuộc phân khúc cao và trung cấp, sản phẩm du lịch, lưu trú như condotel... lại chiếm tỷ lệ lớn.

Thực tế này dẫn đến tình trạng, người thu nhập thấp không có cơ hội để có thể mua được một căn hộ như mong ước. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), trong 3 năm qua, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất vì bị giảm cơ hội tạo lập nhà.

Lệch pha cung cầu lâu nay vẫn là “bệnh chung” của thị trường bất động sản. Khi số lượng căn hộ cao cấp vẫn áp đảo và không thể cân bằng với nhu cầu thực của phần lớn người dân, thì điều này xảy ra không phải là chuyện khó hiểu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bài toán “giá nhà khó giảm” chưa thể có lời giải chính đáng.

Bản thân lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thừa nhận rằng,giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Đáng chú ý theo Bộ này, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Chưa hết, lãnh đạo Bộ này cũng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường nhưng thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

“Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật”, báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội nêu rõ.

Như vậy, rõ ràng, nhà quản lý nắm rất rõ về “tình trạng bệnh” của thị trường bất động sản, song tìm phương thuốc để xử lý tình trạng này, xem ra vẫn còn đang loay hoay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay ‘bắt bệnh’ bất động sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO