Loay hoay chỉnh trang 'vùng lõi' đô thị

LÊ ANH 14/09/2022 14:00

HĐND TPHCM đang giám sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn, trong đó chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại khiến quá trình cải tạo, chỉnh trang đô thị của thành phố đang rất chậm.

Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM) gồm 16 lô, được xây dựng từ trước năm 1975 đã xuống cấp trầm trọng.

Bất cập cải tạo chung cư cũ

Trong số các quận trung tâm nằm trong “vùng lõi” đô thị TPHCM thì quận 1 đến nay đã phủ kín 100% quy hoạch phân khu với tổng diện tích là 772 ha. Dù vậy, đại diện UBND quận 1 phản ánh, quận này đang gặp khó khăn rất lớn trong đảm bảo chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người theo Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025.

Nan giải nhất là công tác giải quyết cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và các dự án xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ trước năm 1975 còn chậm. Đó là chưa kể, do không còn quỹ đất xây nhà ở tái định cư phục vụ cho các dự án chỉnh trang đô thị khiến quận 1 không có nhiều phương án để cải tạo, chỉnh trang.

Bên cạnh đó, các khu đất kêu gọi đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ hiện nay cũng đa phần là những khu đất có diện tích khá nhỏ, dân cư đông đúc gây không ít khó khăn trong quá trình tháo dỡ cũng như giải tỏa, đền bù.

Tương tự, quận 3 nằm gọn trong “vùng lõi” trung tâm TPHCM cũng không còn quỹ nhà tái định cư, không có quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội nên chủ yếu mời gọi thực hiện xây dựng chỉnh trang lại các khu chung cư cũ có mật độ cư trú cao. Dù vậy, ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND quận 3 cho biết, kết quả kiểm định chất lượng chung cư cũ trên địa bàn quận này đa số đều thuộc cấp B, chỉ có duy nhất một chung cư cấp D phải di dời khẩn cấp. Hiện tại, UBND quận 3 đã chỉ đạo sửa chữa, cải tạo xong 11 chung cư cũ và sẽ tiếp tục sửa chữa các chung cư còn lại để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Việc chỉnh trang, cải tạo 23 chung cư và 2 cư xá xây dựng trước năm 1975 tại quận 10, TPHCM cũng đang gặp những trở ngại rất lớn khi hầu hết các công trình đều xuống cấp và có kết quả kiểm định ở mức độ nguy hiểm, mức C. Đại diện UBND quận 10 cho biết, hiện đã hoàn chỉnh quy hoạch cục bộ, mời gọi đầu tư và tổ chức lấy ý kiến người dân để tiến hành giải toả, xây dựng mới các chung cư này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận nên không thể thực hiện việc xây mới, do đó quận 10 đành phải ưu tiên phương án cải tạo, sửa chữa.

Chậm di dời nhà ven kênh rạch

Ngoài chỉnh trang, cải tạo hoặc xây mới chung cư cũ, TPHCM cũng có kế hoạch sẽ hoàn tất di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch (bao quanh “vùng lõi” đô thị) đến năm 2025. Dù vậy, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận, quá trình này đang gặp nhiều trở ngại khiến việc di dời nhà ven và trên kênh, rạch chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Quân, TPHCM đặt kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020 nhưng vừa qua tổng kết lại mới có 2.479/20.000 căn được bồi thường và di dời, chỉ chiếm 12,4% chỉ tiêu. Do đó, để hoàn thành mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch từ nay đến 2025 sẽ rất khó khăn. Trước mắt, thành phố ưu tiên đẩy nhanh công tác này đối với nhóm các dự án di dời nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc, rạch Văn Thánh và kênh Hy Vọng có tổng số hơn 3.220 căn, với tổng kinh phí khoảng 12.500 tỷ đồng. Kế đó là nhóm các dự án đã phê duyệt trong nhiệm kỳ trước (14 dự án) có tổng kinh phí vào khoảng 6.000 tỷ đồng.

Sau di dời nhà ven và trên kênh rạch, TPHCM còn phải đảm bảo công tác tái định cư cho hàng nghìn hộ dân, tuy nhiên cũng được dự báo gặp không ít trở ngại, trong đó trở ngại chủ yếu vẫn do chưa cân đối được ngân sách. Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2021 mới đây, ông Ngô Tấn Phát - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phát triển nhà ở TPHCM cho biết, trong 5 năm qua Quỹ phát triển nhà ở thành phố đã giải ngân được gần 1.800 tỷ đồng cho gần 5.500 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở. Dù vậy, ông Phát cũng thừa nhận, nguồn vốn của Quỹ phát triển nhà ở thành phố còn hạn chế nên nhiều lĩnh vực hoạt động của Quỹ bị hạn chế, không phát triển, thậm chí phải tạm dừng triển khai.

Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND quận 3, TPHCM cho biết, mới đây quận này chủ động xin cơ chế về thủ tục cấp phép xây dựng cho người dân. Với đề án này, người dân sẽ dựa vào mẫu của thiết kế xây dựng để xây dựng nhà ở và các công trình mà không cần phải làm thủ tục xin phép xây dựng như lâu nay. Theo đại diện lãnh đạo quận 3, việc sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận tiện hơn cho cải tạo đô thị “vùng lõi” của thành phố trên địa bàn.

Một số quận cũng kiến nghị UBND TPHCM bố trí vốn theo kế hoạch cho việc sửa chữa các chung cư hư hỏng, xuống cấp trầm trọng cho giai đoạn 2022-2024, bên cạnh việc điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch xây dựng “vùng lõi” đô thị thành phố tỷ lệ 1/2.000 để các quận có cơ sở định hướng xây dựng phát triển nhà ở và chỉnh trang đô thị, giải quyết kịp thời các vướng mắc, bức xúc của người dân hiện nay.

TPHCM “chốt” xây mới 6 chung cư cũ trong năm 2022

Theo kế hoạch, UBND TPHCM đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ cấp D (xuống cấp trầm trọng) trên địa bàn trong năm 2022 gồm 6 chung cư, gồm: chung cư 128 Hai Bà Trưng và 23 Lý Tự Trọng (quận 1); chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3); chung cư 350 Hoàng Văn Thụ và 251 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và một lô thuộc cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Theo đó, thành phố sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng hơn 2.300 nhân khẩu tại các chung cư cũ, hiện đã hoàn thành công tác di dời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay chỉnh trang 'vùng lõi' đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO