Loay hoay xử lý rác thải

LÊ ANH 25/08/2022 09:50

Đến năm 2025, TP HCM đặt mục tiêu có ít nhất 80% rác thải được xử lý bằng hình thức đốt phát điện và tái chế. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu này đô thị lớn nhất nước phải tháo gỡ được các tồn tại, hạn chế lâu nay, nhất là lượng rác thải ngày càng quá tải, với khoảng 9.500 tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày...

TPHCM đang phải đối diện với áp lực khoảng 9.500 tấn rác sinh hoạt phát sinh mỗi ngày (chưa kể rác công nghiệp).

Thừa công nghệ, thiếu cơ chế

Đây là thực tế tồn tại lâu nay tại TP HCM song chưa được tháo gỡ. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP HCM, với việc phát sinh hàng chục nghìn tấn rác thải các loại (rắn, sinh hoạt, y tế, công nghiệp, hóa chất,…) đã và đang khiến công tác thu gom, vận chuyển rác thải gặp nhiều khó khăn. Để không xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày, thành phố đã sớm xã hội hóa 100% công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ngoài ra, tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt được ưu tiên với khoảng hơn 30%, còn lại gần 70% vẫn qua hình thức chôn lấp. Theo lộ trình quản lý, xử lý rác thải các loại, TP HCM đang triển khai 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý sang đốt phát điện. Song song đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phối hợp để tuyên truyền người dân giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; vận động người tiêu dùng phân loại rác tại nguồn để giảm thời gian, áp lực cho hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải về các khu vực xử lý rác của thành phố.

Trong 5 năm gần nhất, TP HCM đã ban hành hàng chục văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải, trong đó chỉ riêng về chất thải rắn đã ban hành 26 văn bản. Dù vậy, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần phải được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập suốt nhiều năm qua.

“Cứ đến hẹn lại lên, vào mùa mưa khi độ ẩm không khí cao là mùi hôi phát sinh từ các khu xử lý chất thải tập trung công suất cao, như Khu xử lý rác Đa Phước lại bay mùi nồng nặc, ảnh hưởng đến hầu hết các quận, huyện phía Nam của thành phố” - một cán bộ Sở TNMT TP HCM cho biết. Đối với tình trạng quá tải trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Môi trường sạch và xanh toàn nêu lên thực tế, các tuyến thu gom nhỏ lẻ và thời gian thu gom chưa thống nhất là nguyên nhân của tình trạng trên. Chẳng hạn, tại cùng một khu phố và cùng một công ty nhưng có đến hai đơn vị thu gom khác nhau, giá thành khác nhau. Trong khi đó, công nhân thu gom rác phải làm việc vất vả, thường xuyên làm việc từ 8-12 giờ/ngày nhưng mức thu nhập còn rất thấp.

Giải bài toán quá tải rác thải

Trong khi loay hoay các giải pháp dựa trên cơ chế cũ và các quy định pháp luật hiện hành, UBND TP HCM vẫn đang chờ tháo gỡ cơ chế từ Trung ương. Cụ thể, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, thẩm định, thông qua Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Trong khi đó, thành phố cũng chờ hướng dẫn về quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, yêu cầu về mỹ quan, tiêu chuẩn môi trường để nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với các trạm trung chuyển rác nằm trong khu dân cư hiện nay, giải quyết các bức xúc của người dân, đảm bảo điều kiện về sức khỏe, môi trường sống tại đô thị. Đối với các vướng mắc về cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý rác, UBND TP HCM cũng kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các bộ ngành liên quan xem xét, tháo gỡ các quy định về hợp đồng xử lý rác của TP HCM với các đối tác. Việc tháo gỡ về cơ chế theo hướng thành phố được tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó, nhà nước cho thuê đất nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn mà không phải thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) như thời gian qua.

Ngoài nỗ lực tháo gỡ cơ chế để bảo đảm việc xử lý rác thải trong ngày, không để tồn đọng, TP HCM đặt mục tiêu dài hơi (đến 2025) có thể xử lý ít nhất 80% rác thải bằng hình thức đốt phát điện và tái chế. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT TP HCM, hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn đã được xã hội hóa 100%, với tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt chiếm khoảng 30%, ngoài ra vẫn đang cải tiến về công nghệ xử lý hiện đại. Mới đây, TP HCM tiếp tục nhận được đề xuất của 6 dự án áp dụng công nghệ mới, với công suất xử lý khoảng 10.500 tấn.

Ngoài công nghệ, để tháo gỡ khó khăn về công tác thu gom, vận chuyển rác thải, Sở TNMT TP HCM đang thực hiện chính sách chuyển đổi các đường dây thu gom rác dân lập, trong đó thành phố hỗ trợ vốn và lãi suất cho gần 70 dự án, với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP HCM, Sở đã trình và UBND thành phố đã duyệt đề án chuyển đổi số, trong đó áp dụng quản lý phương tiện vận chuyển, thu gom rác qua App. Do đó, dù phương tiện vận chuyển của dân lập hay qua đấu thầu khi di chuyển sai lộ trình được duyệt ban đầu, ngành TNMT TP HCM sẽ phát hiện, nhắc nhở và giám sát chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay xử lý rác thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO