Lời cảnh tỉnh

Hàn Minh 25/01/2021 07:34

Bạo lực trong trường học, câu chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội và hiện chưa có giải pháp để giải quyết triệt để. Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên xuất phát từ những sự việc tưởng chừng rất trẻ con, như bị bạn bè trêu chọc, “ghép đôi”…

Vụ việc nữ sinh 13 tuổi ở Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu sau khi uống 2 gói thuốc trừ sâu tự mua thật đau xót. Nguyên nhân ban đầu được gia đình kể lại là do nữ sinh được xếp ngồi giữa 2 bạn nam, từ đó thường bị 2 bạn này trêu chọc, ném sách vở, đập sách vào đầu... Ngoài ra, cả lớp còn ghép đôi nữ sinh với một trong hai bạn nam này.

Do thường bị trêu chọc nên nữ sinh xấu hổ, học lực giảm sút, mỗi khi em không làm được bài hoặc bị điểm kém thì cả lớp càng trêu chọc. Dần dần em căng thẳng, tự ti, lo lắng, thấy không có ai hiểu và giúp đỡ, không muốn giao tiếp với ai, kể cả cha mẹ và anh chị em. Mỗi khi về nhà, em cũng không ăn cùng gia đình và muốn được “giải thoát”…

Đây là lời cảnh tỉnh với tất cả các bậc làm cha mẹ cũng như nhà trường trong việc quan tâm tới mọi biểu hiện của con trẻ, dù là nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày. Như trong câu chuyện trên, khi gia đình phát hiện được lý do con em mình gặp vấn đề ở trên lớp, phụ huynh đã làm gì để giúp em? Liệu thầy cô giáo của em, đặc biệt là cô chủ nhiệm có biết chuyện này? Nếu có, thầy cô đã làm gì để giúp em vượt qua nỗi sợ hãi, khó chịu, tự ti… khi đến lớp?

Dù là một hành động bột phát trong lúc quẫn bách, tuyệt vọng nhưng để dẫn đến hậu quả hôm nay thì là cả một quá trình với những biểu hiện rõ ràng hàng ngày. Giá như em được can thiệp sớm, đúng lúc và đúng cách thì câu chuyện thương tâm này có lẽ đã không xảy ra.

Nhưng đây không phải là hiện tượng hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay. Học sinh ở lứa tuổi còn nhỏ, chưa đủ bản lĩnh để tự mình vượt qua những mặc cảm, tự ti hay việc trêu chọc của bạn bè. Thậm chí, đã có những trường hợp bị bạn học cùng lớp, cùng trường hoặc trên mạng bắt nạt đến mức tìm đến hướng giải thoát bản thân rất tiêu cực như nữ sinh kể trên nhưng những người xung quanh không hề hay biết do trước đó, em không có biểu hiện quá rõ ràng…

Vậy làm sao để ngăn chặn vấn nạn này, để không còn những nỗi đau con trẻ và người lớn, có lẽ không thể dừng lại ở một vài dự án, một vài thông điệp truyền thông của riêng nhà trường hay ngành giáo dục mà là nhận thức của cả xã hội, trong đó vai trò của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm là quan trọng nhất. Bởi mỗi gia đình chỉ có 1, 2 người con nên dù bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng cần quan tâm đến những biểu hiện tâm lý khác lạ của các em thông qua việc trò chuyện thường xuyên với con, quan tâm đến bạn bè và những câu chuyện xảy ra xung quanh con. Khi phát hiện vấn đề ở trường, cần trao đổi kịp thời, tế nhị với giáo viên chủ nhiệm để tìm hướng giải quyết thay vì làm ầm ĩ lên khiến con trẻ “mất mặt” với bạn bè.

Về phía giáo viên chủ nhiệm, cần có những tập huấn kỹ càng về tư vấn tâm lý lứa tuổi vị thành niên trong điều kiện hiện nay, đa số các trường đều không có giáo viên tư vấn tâm lý chuyên trách. Từ đó, có cách ứng xử phù hợp để môi trường học đường thực sự đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc và an toàn cho cả thầy và trò.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời cảnh tỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO