Lời hứa và thực hiện lời hứa sau chất vấn

M.Loan-H.Vũ 03/11/2022 06:47

Hôm nay (3/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ là người đăng đàn đầu tiên. Trước phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào các bộ trưởng, trưởng ngành và đặc biệt Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ đưa ra các giải pháp để giải quyết những bất cập hiện nay và việc thực hiện lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân.

Hôm nay Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ là người đăng đàn đầu tiên trong phiên trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Vinh.

Theo nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn…

Được biết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Lao động-Thương binh và Xã hội; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ “tiếp sức” cho tư lệnh ngành giải trình những vấn đề liên quan.

Thách thức về quy hoạch, xây dựng tại các đô thị

Từ những vấn đề được lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) mong muốn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ chính sách về quy hoạch và giải pháp hỗ trợ trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo, công nhân lao động nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn. “Tôi rất mong Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra giải pháp để hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng lớn sau đại dịch và tới đây có điều kiện được tiếp cận mua nhà giá rẻ, hoặc được thuê các căn hộ nhằm phục vụ cho lao động sản xuất, phần nào hỗ trợ các công nhân nghèo ở các địa phương có điều kiện đi làm, tăng thu nhập và có cuộc sống ổn định” - bà Ngọc nói.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cả 4 lĩnh vực được các ĐBQH lựa chọn để chất vấn đều là lĩnh vực then chốt, quan trọng, cần giải quyết ngay trước mắt. “Trong lĩnh vực xây dựng, hiện vấn đề quy hoạch và xây dựng tại các đô thị lớn đang có nhiều thách thức, nhất là những đô thị có đông dân cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trong khi đó vấn đề quy hoạch đô thị hiện nay đang còn nhiều bất cập. Hy vọng bộ trưởng sẽ có những giải pháp thiết thực để kịp thời giải quyết những khó khăn tạo những chuyển biến sau chất vấn” - bà Nga cho hay.

Theo đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An), việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Bà Chung cho biết, trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo gửi các ĐBQH. Theo đó, trong thời gian gần đây Bộ Xây dựng đã có những động thái tích cực trong vấn đề di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến việc quy hoạch; rồi nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng.

“Sau chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cần có động thái tích cực hơn để đảm bảo thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Qua báo cáo của Bộ trưởng cá nhân tôi cũng khá hài lòng với việc đưa ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Nhưng trong chất vấn, tôi hy vọng bộ trưởng hứa dựa trên những căn cứ có khả năng thực hiện được và thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước” - bà Chung bày tỏ.

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Trả lời chất vấn phải gắn với giải pháp thực hiện

Về việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bà Ngọc cho rằng, “Bộ trưởng cần trả lời đúng, trúng và sát với mong muốn của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Chất vấn chính là hình thức giám sát rất quan trọng. Những nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn cần được Bộ trưởng trả lời gắn với giải pháp thực hiện. Cá nhân tôi và các ĐBQH sẽ giám sát tới cùng việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Xây dựng” - bà Ngọc cho hay.

Còn đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh: Chất vấn là hoạt động nhắc nhở trực tiếp nhất đối với các tư lệnh ngành trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình. Sau mỗi lần chất vấn đều có Nghị quyết cụ thể với từng vấn đề mà ĐBQH nêu lên cho các Bộ trưởng. Sau đó tại kỳ họp tiếp theo các Bộ trưởng báo cáo về việc thực hiện các nội dung chất vấn, thực hiện lời hứa của mình.

Theo ông Lâm, vừa qua trong quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã có những nỗ lực, cố gắng nhất định. Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dù mới đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng nhưng đã tiếp cận, nắm bắt nội dung, điều hòa trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra và đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên đây là lĩnh vực khó đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật sâu, liên quan trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội với nhiều điểm nóng nổi lên cần giải quyết không thể một sớm một chiều. Từ các nội dung chất vấn được đại biểu Quốc hội đưa ra, mong Bộ trưởng có thể nắm vấn đề, lựa chọn vấn đề nào cần ưu tiên tập trung giải quyết trước.

“Tôi quan tâm tới quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong vấn đề quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Nếu được chất vấn tôi sẽ chất vấn vấn đề này. Nếu không được chất vấn, tôi cũng sẽ gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng về thực trạng quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị của đất nước trong giai đoạn hiện tại, những vấn đề đặt ra và giải pháp giải quyết các tồn tại hạn chế để phục vụ cho chủ trương đô thị hoá, phát triển đất nước trong thời gian trước mắt và lâu dài. Đây là nội dung có tầm chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của đất nước. Vì hiện các vấn đề xã hội “nóng” hiện nay đều liên quan đến việc đô thị bị úng, lụt. Cứ mưa là lụt. Vậy có vấn đề của quy hoạch? Của xây dựng phát triển đô thị hay không? Đó là vấn đề then chốt chứ không phải đổ tại cho… thời tiết” - ông Lâm nói và chỉ rõ: “Vấn đề đầu tiên chính là quy hoạch. Bởi từ quy hoạch sinh ra tập trung mật độ dân cư quá đông, tắc nghẽn giao thông, di dời các nhà máy ra khỏi nội đô thì “chen” vào đó lại là các khu chung cư, nhà cao tầng khiến mật độ càng cao lên. Tắc nghẽn giao thông bây giờ là “trầm kha”, chưa thấy hướng giải quyết, ô nhiễm không khí tại các đô thị, người dân cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Những vấn đề đó cần được giải quyết căn cơ từ quy hoạch cho đến xây dựng và phát triển. Đó là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành xây dựng. Vậy giải quyết vấn đề trên như thế nào là vấn đề cử tri và nhân dân đang rất mong mỏi”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng):

Người nghèo vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội

Trong các vấn đề về xây dựng hiện nay, các chính sách triển khai về nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Với mức độ hiện nay thì người nghèo và người có thu nhập thấp sẽ khó có nhà ở. Hay như vấn đề quy hoạch chẳng hạn làm sao tích hợp để triển khai Luật Quy hoạch một cách phù hợp và khoa học nhất. Đây là vấn đề Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần đưa ra giải pháp để giải quyết thực trạng trên. Tôi kỳ vọng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ đưa ra những giải pháp để khắc phục những bất cập trong vấn đề quy hoạch, triển khai nhà ở xã hội cho người nghèo, người có thu nhập thấp.

Khi truyền tải ý kiến kiến nghị của cử tri đến với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mỗi ĐBQH cần có trách nhiệm thực hiện giám sát để đi đến cùng sự việc trước các vấn đề bức xúc dư luận cuộc sống đặt ra. Phải nâng cao trách nhiệm trước các vấn đề cử tri quan tâm và theo dõi tiến độ xử lý. Theo đánh giá của tôi hiện trên 50% đã thực hiện được theo lời hứa vì có vấn đề có thể thực hiện được ngay, nhưng có vấn đề cần phải có thời gian. Ví như trong vấn đề hạ tầng thì cần ưu tiên, tập trung cho các công trình trọng điểm quốc gia trước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội):

Di dời trụ sở các bộ, ngành phải trở thành hành động

Di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội là vấn đề đặt ra từ lâu. Thực tế đã có một số bộ di chuyển; một số bộ di chuyển rồi nhưng cơ sở một phần vẫn nằm ở trung tâm cơ sở cũ, và một phần sang cơ sở mới. Như vậy mới thực hiện được một phần và việc di dời toàn bộ ra cơ sở mới là chưa thực hiện được. Có lẽ vẫn đang có tâm lý chờ đợi bộ, ngành này chuyển rồi thì mình mới chuyển. Như vậy chưa tạo được sự quyết tâm cao. Do đó cần thực hiện hai yếu tố song song. Đó là quy hoạch các khu vực định di dời ở khu tập trung để tạo ra sự tương tác giữa các bộ, ngành.

Thứ hai hệ thống hạ tầng dịch vụ và kết nối giao thông phải thuận tiện trong đi lại để tránh việc cán bộ đi làm việc họp hành mất nhiều thời gian trong di chuyển. Phải có kế hoạch lộ trình để mỗi cơ quan bộ, ngành có phương hướng cụ thể. Theo đó ngành xây dựng cần quy hoạch các địa điểm di chuyển, phải đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở khu vực đó. Việc này không chỉ mỗi Bộ Xây dựng có thể làm được mà còn liên quan đến việc đầu tư vốn ra làm sao? Thậm chí trụ sở thuộc kế hoạch đầu tư của từng bộ, ngành, vậy nguồn kinh phí cho xây dựng trụ sở như thế nào là yếu tố rất quan trọng. Do đó qua chất vấn tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp cụ thể để việc di dời trụ sở cơ quan ra khỏi nội thành Hà Nội trở thành “hành động” của các bộ, ngành.

M.Loan - V.Thắng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời hứa và thực hiện lời hứa sau chất vấn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO