Long đong trong ‘bão dịch’

Lê Anh 12/07/2021 08:00

Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 9/7. Những người bán hàng rong, bán vé số, bốc vác thời vụ, người kinh doanh nhỏ lẻ ở vỉa hè, chợ tự phát… chịu tác động nặng nề nhất. Đây cũng chính là các đối tượng đang được TP HCM đưa vào nhóm yếu thế được hưởng chế độ, chính sách đặc thù được hỗ trợ do bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều lao dộng tự do gặp khó khăn.

“Ngóng trông” qua 15 ngày

Những con đường chính như đại lộ Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn (Quận 1); Hùng Vương, Hồng Bàng, Lý Thường Kiệt (quận 5, quận 10) Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), số lượng người đi lại giảm hẳn. Hàng quán vỉa hè cũng không còn hoạt động. Đây là những tuyến đường mà vài ngày trước chị Ngô Thị Mén (37 tuổi, quê huyện Chợ Mới, An Giang) cùng một nhóm chị em cùng quê mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Chị Mén rời quê vào Bình Dương từ năm 2012, sau đó được tuyển dụng làm công nhân ở một doanh nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Dệt may Bình An. Do chưa qua đào tạo về nghề may nên chị chỉ được sắp xếp và nhóm ủi sản phẩm, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Dù vậy, cuối năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy buộc phải thu hẹp sản xuất và chỉ tuyển lựa những công nhân có tay nghề chuyên môn.

Mất việc làm, chị Mén mất hơn một tháng đến gõ cửa các doanh nghiệp xin việc đều bị từ chối vì chị chưa hề qua đào tạo. “Rồi mấy chị em gọi về thành phố bán vé số dạo, hỗ trợ lẫn nhau. Hôm nay, một lần nữa công ty Xổ số Kiến thiết ngưng hoạt động, chúng tôi lại vào cảnh thất nghiệp”, chị Mén nói và cho biết chị cùng những đồng hương Chợ Mới bị kẹt lại ở xóm vé số quận 8, chờ thời gian giãn cách đi qua để tiếp tục bán vé số dạo mưu sinh.

Ở xóm trọ nằm trong con hẻm nhỏ đường An Dương Vương (quận 6), nơi chị Phạm Thị Thu Hường (41 tuổi, quê huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) dọn về trọ nhờ nhà người quen được hơn một tháng nay. Trước đó, chị là công nhân của một công ty thương mại và chế biến thực phẩm ở Khu công nghiệp Bình Dương, tuy nhiên do giảm quy mô sản xuất, chị Hường là trong số hơn 20 chị em bị mất việc làm từ tháng 4/2020 đến nay, trong đó có 15 người đã gia nhập vào lực lượng bán vé số dạo.

Theo chị Hường, lúc chưa giãn cách, nếu chị khó mỗi ngày đạp xe lòng vòng từ quận 8 qua quận 5, quận 10 cũng bán được khoảng 150 - 200 tờ vé số mỗi ngày. Thu nhập tuy thấp nhưng cũng còn có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống trong những ngày dịch giã. Hiện nay, chị Hường cùng các chị em trong xóm trọ vẫn nán lại thành phố để chờ đợi thời điểm cuối tháng 7 có thể đi làm trở lại.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng không chỉ đến những người hành nghề bán vé số dạo. “Cơn bão” dịch bệnh đi qua khiến không ít người buôn bán nhỏ, người bán hàng rong phải “khóc ròng” vì quy định hạn chế đi lại. Ở chợ Tân Lập (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức), chị Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, quê Nam Định) làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ. Ki-ốt mới thuê từ tháng 3 đầu năm 2020 đến nay nằm sâu phía cuối chợ.

Khi TP HCM triển khai chỉ thị 10, chợ bị rào lại từ đầu đường Nguyễn Duy Trinh, khiến lượng khách vào chợ chỉ lác đác vài người. Từ sáng 9/7 khi thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, chị Thủy đã tạm đóng ki-ốt, rời về nhà trọ đợi hết thời gian kiểm soát chợ truyền thống, để mở cửa hàng trở lại.

Cách đó không xa, chợ Cây Xoài nằm giáp gianh giữa phường Bình Trưng Đông và phường Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức) cũng rơi vào cảnh ảm đảm. Từ sáng 9/7, khu vực chợ đã không còn thấy chỗ nào bày hàng quán, đường phố vắng vẻ, chỉ vài chiếc qua lại. Từ đêm trước, nhiều tiểu thương tại chợ đã nghỉ nhập hàng hóa về bán để thực hiện quy định giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 16.

“Một miếng khi đói”…

Trong khi các đối tượng người nghèo, người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đang chịu nhiều tác động đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày, ngành lao động thương binh, xã hội TPHCM lên danh sách hơn 70.000 người bán hàng rong, bốc vác, bán vé số đưa vào danh sách được hưởng chế độ, chính sách đặc thù từ thành phố.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH, từ cuối tháng 6/2021 toàn ngành đã triển khai hướng dẫn, yêu cầu phòng LĐTBXH Thủ Đức và 21 quận, huyện thống kê, chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở từng phường, xã, thị trấn.

Đối tượng được hỗ trợ là những người được hỗ trợ là người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong số này, người lao động tự do làm một trong 6 công việc được hỗ trợ, gồm người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh ực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động do chủ trương của thành phố.

Qua khảo sát, toàn TP HCM có khoảng 230.000 người thuộc các diện nêu trên. Trong đó, riêng người bán hàng rong, bốc vác, bán vé số là hơn 70.000 người. Vừa qua, thành phố cũng đã duyệt mức dự kiến hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, với tổng số tiền hỗ trợ một lần khoảng 1,5 triệu đồng/người. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là vào khoảng 345 tỷ đồng.

TP HCM đang nỗ lực hỗ trợ nhanh nhất cho người lao động tự do. Giám đốc Sở LĐTBXH khẳng định, TP HCM chia sẻ với tinh thần một miếng khi đói bằng một gói khi no, mọi người đùm bọc, chia sẻ, nâng đỡ cùng nhau sớm vượt qua dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Long đong trong ‘bão dịch’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO