Lũ lụt đe dọa châu Á

Linh Chi 30/07/2017 08:30

Khorsheeda Khatun, 28 tuổi, sơ tán khỏi quê hương mình ở Myanmar hồi tháng 1 vừa qua cùng 2 cô con gái vì tình trạng bạo lực, và sống ở một khu tái định cư Kutupalang ở Bangladesh. Nhưng chưa hết, cơn bão Mora đổ bộ mới đây đã quét sạch tất cả tài sản còn lại của cô.

Lụt lội nghiêm trọng ở thành phố Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) hồi đầu tháng. (Nguồn: CNN).

Nhà của tôi đã tan nát. Cơn bão phá vỡ các tấm ván gỗ quanh ngôi nhà tạm và thổi bay phần mái. Gió và lũ lụt đã hủy hoại tất cả những gì tôi có- cô Khatun nói với tổ chức Unicef hồi tháng 6 vừa qua.

Chỉ vài tuần sau đó, trên dọc dãy Himalaya ở miền Nam Trung Quốc, trên 12 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa khi một trận lũ lớn ập tới. Chỉ tính riêng ở tỉnh Giang Tây của nước này, đến nay lũ lụt đã gây thiệt hại kinh tế 430 triệu USD. Ở tỉnh Hồ Nam cạnh đó, 53.000 ngôi nhà đã bị phá hủy, trong khi nước lũ vẫn chưa rút hết.

Tình trạng thời tiết ngày càng cực đoan, một ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đang khiến cho hàng trăm triệu người dân ở các nước đang phát triển thuộc khu vực nam Á bị ảnh hưởng.

“Theo ước tính, trong vòng 30 năm tới, các trận mưa lớn sẽ tăng cường tới 20% trong khu vực châu Á”- chuyên gia nghiên cứu khí tượng Dewi Kirono thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), nhận định.

Nam Á hiện là khu vực ẩm ướt nhất của lục địa và cũng là một trong những vùng ẩm ướt nhất của thế giới khi phải tiếp nhận lượng mưa trung bình tối thiểu là 1.000 mm mỗi năm. Khi mưa lớn liên tiếp xảy ra, hơn 137 triệu người dân ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc lại phải hứng chịu các trận lụt kinh hoàng.

“Thành phố chết”

Được biết những trận lũ kinh hoàng với con số người chết kỷ lục và tổn thất kinh tế nặng nề của thế giới tính từ năm 1950 đến nay đều xảy ra ở 3 nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Theo dữ liệu thuộc Trung tâm Dữ liệu của Bỉ, kể từ năm 1950 đến nay, hơn 2,2 triệu người ở các nước này đã thiệt mạng vì lũ lụt, trong số này bao gồm khoảng 2 triệu người chết trong trận lụt lịch sử năm 1959 ở Trung Quốc.

Ủy ban Biến đổi khí hậu Liên chính phủ (IPCC), cơ quan đứng đầu thế giới về biến đổi khí hậu, đã viết trong một báo cáo mới đây nhất rằng khu vực châu Á đã phải hứng chịu “tổn thất kinh tế khổng lồ” từ các thảm họa thời tiết và khí hậu, khi ¼ tổn thất kinh tế từ các thảm họa của thế giới thuộc về khu vực này.

Tháng 7/2017, khi lũ lụt quét qua khu vực miền Trung của Trung Quốc, khiến cho gần 90 người thiệt mạng hoặc mất tích, người dân địa phương đã đổ lên mạng xã hội Weibo để kể về nỗi ám ảnh của họ.

“Con đường bị chặn, điện bị cắt, nguồn nước bị ô nhiễm, không có tín hiệu sóng điện thoại, người già và trẻ em chờ được ăn”- một cư dân mạng ở tỉnh Hồ Nam chia sẻ trên Weibo.

Các bức ảnh đính kèm lời chia sẻ trên cho thấy những bức tường đổ nghiêng, những đống rác khổng lồ và bùn đất ở khắp mọi nơi. “Toàn khu vực này đã bị biến thành một thành phố chết”- một cư dân mạng khác bình luận.

Trong suốt một thập kỷ qua, cứ mỗi năm lại có trung bình trên 1.000 người chết cùng tổn thất kinh tế hàng triệu USD vì lũ lụt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

Đồng bằng chìm trong nước

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng lũ lụt trên nằm ở 3 con sông lớn chảy từ đỉnh Himalaysa xuống khu vực Nam Á và Đông Á: sông Hằng, sông Bramaputra và sông Dương Tử.

Khoảng 500 triệu người, chiếm 50% dân số ở Ấn Độ và Bangladesh, và khoảng 300 triệu người khác, 25% dân số Trung Quốc, phải sống dưới khu vực lòng chảo thuộc 3 con sông trên. Nếu gộp lại, 3 con sông chính này hỗ trợ nguồn sống cho khoảng 14% dân số thế giới.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, khu vực đồng bằng sông Dương Tử, nơi có nguồn phù sa màu mỡ, đóng góp tới 40% GDP của nước này.
“Nhiều thành phố ở châu Á, đặc biệt là các siêu thành phố, được xây dựng trên đồng bằng của các con sông lớn, nơi mà có các cảng nối liền các thành phố này với nền kinh tế toàn cầu”- một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2012 cho biết.

Khi các đợt mưa lớn trút nước xuống các vùng đồng bằng này, lượng nước chảy xuống các con sông trên, khiến mực nước sông gia tăng đột biến, gây nên tình trạng lụt lội ở các thành phố, thị trấn lân cận. Ví dụ như trong năm nay, lượng mưa lớn khiến nhánh sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Nam tăng lên mức kỷ lục, vượt trên mức báo động tới 3,2 m.

Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người dân trong lũ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc hồi đầu tháng này.
(Nguồn: Reuters).

Tai họa đến từ biến đổi khí hậu

Abhas Jha, Quản lý rủi ro thảm họa, giao thông và đô thị khu vực Đông Á thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng chứng cứ rõ nhất về hậu quả của biến đổi khí hậu nằm ở khu vực châu Á trong 5 năm trở lại đây.

“Các thành phố như Mumbai, Thượng Hải, Hà Nội, Bắc Kinh, Phnom Penh, tất cả thành phố lớn ở châu Á đều có một trận lụt lớn, bởi vậy không còn gì phải nghi ngờ khi nói rằng trạng này ngày càng tồi tệ hơn”- ông Jha nói.

Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đối với thời tiết trên toàn thế giới cũng đã được ghi nhận rõ ràng. Các ảnh hưởng bao gồm nhiệt độ nóng hơn, mực nước biển dâng cao và các trận mưa lớn. Nhưng thay vì làm tăng số lượng ngày mưa hàng năm, biến đổi khí hậu lại gây ra các trận mưa lớn hơn và nghiêm trọng hơn.

“Lượng mưa lớn sẽ làm tăng khả năng gây lũ lụt. Đương nhiên nó chưa đủ để gây ra lũ lụt mà điều đó còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và địa hình của một thành phố”- bà Kirono (chuyên gia của CSIRO), cho hay. Thêm vào đó, không chỉ các trận lũ mới khiến sinh mạng người dân ở châu Á bị nguy hiểm, mà cả các tác động mà nó kéo theo sau lũ.

“Có thể là các loại bệnh dịch phát sinh sau lũ, các loại bệnh ưa nhiệt độ cao mà chỉ cần chênh thêm nửa hay 1 độ C cũng có thể tạo môi trường tốt cho chúng lây lan”- bà Kirono cho hay.

Ngăn chặn lũ lụt

Theo giới chuyên gia, để tránh tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực châu Á cần phải có sự thay đổi ở cả địa phương và trong khu vực. Đối với các thành phố thì có 2 lựa chọn, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng ngăn lũ khỏi cộng đồng người dân và các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh người dân tiếp xúc vùng có lũ.

“Chuẩn bị tốt, hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng xanh…chúng tôi nhận thấy rằng hệ thống cảnh báo sớm là khoản đầu tư tốt nhất mà một quốc gia và một thành phố nên làm”- ông Jha nói. “Một đồng USD đầu tư cho hệ thống cảnh báo sớm có thể giúp tiết kiệm đươc 4-8 USD tổn thất kinh tế do lũ lụt”.

Tuy nhiên, đầu tư chống lũ lụt không hề rẻ. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy để bảo vệ tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống thoát nước của Bangladesh, chính phủ nước này cần phải chi khoảng 2,6 tỷ USD.

Chính phủ một số nước thời gian gần đây cũng bắt đầu nỗ lực ngăn chặn sự đe dọa của lũ lụt theo nhiều cách, trong đó có việc Trung Quốc chi hàng tỷ USD cho chương trình “Thành phố bọt biển”, nhằm giúp khu vực thành thị có hệ thống thoát nước hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự thay đổi ở địa phương vẫn là chưa đủ, mà các khu vực nằm trong lòng chảo các con sông ở Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh cần phải hợp tác giữa các thành phố để tìm biện pháp ngăn chặn lũ lụt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lũ lụt đe dọa châu Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO