Lựa chọn môn học lớp 10 THPT: Xây dựng chương trình sát định hướng nghề nghiệp

Minh Quang 28/03/2022 06:26

Chỉ còn 2 tháng nữa năm học 2021- 2022 sẽ kết thúc. Thời gian để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) với các lớp 10, 3, 7 đang cận kề. Điều đó càng khiến cho cả học sinh và phụ huynh lo lắng, băn khoăn về việc triển khai chương trình lớp 10 tới đây sẽ ra sao?

Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Học sinh được lựa chọn tổ hợp môn học

Năm học 2022-2023, Chương trình GDPT mới tiếp tục triển khai với lớp 3,7,10. Trong đó, chương trình lớp 10 THPT được đánh giá là có những khác biệt căn bản đối với các lớp học ở bậc tiểu học, THCS trong việc thiết kế môn học khi học sinh được lựa chọn các môn học theo sở thích. Cụ thể, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh còn chọn học 5 môn khác từ 3 nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn: Nhóm Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật…

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, có nhiều phương án để xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn. Khi triển khai, các trường có thể chủ động trong định hướng, xây dựng các tổ hợp môn học, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu người học, và phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Đối với hai môn học rất mới của lớp 10 bậc THPT là Âm nhạc và Mỹ thuật, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hiện tại có thể nhu cầu lựa chọn học 2 môn này của học sinh chưa cao nhưng tương lai nhiều học sinh sẽ quan tâm. Do vậy, chương trình phải đón đầu xu hướng để tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn học theo năng lực, sở thích của bản thân. Theo GS. Thuyết, để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp.

Triển khai sao cho hiệu quả?

Trước băn khoăn của cả nhà trường và người học về những điểm mới của chương trình lớp 10 năm học 2022- 2023, GS. Nguyễn Minh Thuyết gợi ý: Học sinh có thể chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, ví dụ Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và pháp luật. Ngoài ra, các em có thể chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác như Sinh học, Tin học (hoặc Công nghệ, Âm nhạc).

Về phía các nhà trường, cách đơn giản nhất là tổ chức các lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như trước tới nay. Thứ hai, tổ chức các lớp học chuyên đề và xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Nếu sĩ số đăng ký vượt với sĩ số lớp học theo quy định thì học sinh chuyển sang nguyện vọng 2.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho biết: Các nhà trường cần căn cứ vào năng lực, trình độ học sinh cũng như đặc điểm khu vực của các vùng miền để lựa chọn sách phù hợp sao cho giáo viên và học sinh dạy và học một cách tốt nhất.

Lâu nay, việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai thường chỉ được quan tâm khi bước vào giai đoạn cuối cấp hay trên giảng đường ĐH. Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển đã đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học. Việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và học sinh dễ dàng ổn định sau tốt nghiệp. Do đó, ở lần triển khai này, việc xây dựng chương trình lớp 10 theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi ngày một mạnh mẽ, áp lực cạnh tranh cũng ngày càng lớn hơn.

Liên quan tới việc triển khai chương trình lớp 10 tới đây, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, Bộ đã có văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng như tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên. Theo đó, các trường căn cứ điều kiện của mình để xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo 3 định hướng của chương trình. Mỗi tổ hợp, ngoài các môn thuộc 3 nhóm định hướng, các môn được chọn từ 2 nhóm còn lại cần bảo đảm sự phù hợp để tạo thuận lợi cho học sinh học tập.

Mỗi định hướng có thể có 1-2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và các môn thuộc 2 nhóm còn lại. Số tổ hợp và số lớp/tổ hợp do trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Với cách này, các trường có thể xây dựng 3 - 6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới.

Việc cho học sinh chọn các tổ hợp môn học để học là theo 1 trong 3 định hướng nghề nghiệp mà chương trình thiết kế. Được chọn một trong số các tổ hợp của trường chứ không phải chọn từng môn học. Lý giải về việc học sinh được chọn lại tổ hợp sau mỗi năm học, ông Thành cho rằng, nếu học hết lớp 10 mà đổi hẳn sang định hướng khác là vô cùng khó khăn do phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10, như vậy thời gian mấy tháng hè khó có thể hoàn thành. Vì thế, ngay từ đầu, học sinh phải cân nhắc kỹ để lựa chọn với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường, phụ huynh.

Được chuyển nguyện vọng giữa 2 tổ hợp

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, học sinh có nguyện vọng chuyển giữa 2 tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11. Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lựa chọn môn học lớp 10 THPT: Xây dựng chương trình sát định hướng nghề nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO