Lương tối thiểu vùng năm 2020: Những kì vọng có về đích?

Lê Minh Long 15/06/2019 06:32

Báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam công bố mới đây cho thấy, một số ngành nghề mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động. Chính vì vậy, cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 14/6 là sự kì vọng rất lớn về một cuộc sống “đáp ứng đủ mức sống tối thiểu” của hàng chục nghìn gia đình người lao động.

Lương tối thiểu vùng năm 2020: Những kì vọng có về đích?

Với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của người lao động hy vọng phần nào được cải thiện. Ảnh: CTV.


Mức đề xuất tăng chênh lệch 5%

Về đề xuất của phía Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động – cho rằng, bức tranh kinh tế của năm 2019 thuận lợi cho việc tăng lương tối thiểu năm 2020. Chính vì vậy, Tổng LĐLĐ có hai cách tính khác với bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. “Phương án 1 xác định tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 48/52, tương ứng với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 7,06%. Phương án 2, tỷ lệ nhu cầu lương thực/phi lương thực là 46,5/53,5, tương ứng với mức tăng 8%” – ông Lê Đình Quảng nói.

Cũng theo ông Quảng, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của người lao động (NLĐ) đã ngày càng được cải thiện, số công nhân được hưởng lợi từ tăng tiền lương tối thiểu là rất lớn. Đáng chú ý, ở nhóm có lương cao hơn lại có mức tăng thấp hơn trong khi ở nhóm có mức lương thấp lại tăng cao hơn, điều này chứng tỏ mức điều chỉnh ngày càng tiệm cận dần với nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng như vậy cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, đời sống của một bộ phận công nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng giống như những phiên họp cũ, năm nay đại diện cho giới chủ vẫn cho rằng, mặc dù có sự hồi phục của nền kinh tế nhưng vẫn còn nguy cơ tiền ẩn tác động tới “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN). “Hơn 20 hiệp hội DN trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI chọn phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2020”- ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Cũng theo ông Phòng, về cơ bản, các DN đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2019 được đề xuất tăng là 5,3%. Cụ thể: 72,5% DN đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2,1% DN tăng 5,9%; đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của NLĐ”. “Tăng lương tối thiểu đang làm tăng các chi phí của DN trong bối cảnh phải cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh. Qua 5 tháng đầu năm, cả nước có 54.000 DN được thành lập mới thì có tới trên 20.000 DN ‘thoát ly’ khỏi thị trường, trong đó có 7.000 DN đã hoàn thành xong thủ tục giải thể” – ông Phòng dẫn chứng.

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia kết thúc với mức tăng chênh nhau tới 5 %. Cụ thể: Tổng LĐLĐ đề xuất 2 phương án tăng 8 %, tương ứng với mức tiền tăng từ 180.000 - 380.000 đồng tuỳ theo từng vùng lương. Phương án 2 đề xuất tăng từ 7,06 %, tương ứng với mức từ 160.000 - 330.000 đồng, tuỳ từng vùng lương. Trong khi đó, đại diện VCCI đề xuất tăng dưới 3%. Ngoài ra, phiên đàm phán cũng tiếp nhận ý kiến của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương Quốc gia với đề xuất tăng 5,2 %.

Lương tối thiểu vùng năm 2020: Những kì vọng có về đích? - 1

Năm 2020 người lao động hy vọng có thể sống được bằng lương.

Lỗi hẹn đến bao giờ?

Chia sẻ về mức đề xuất khác nhau giữa ba bên, ông Quảng thẳng thắn cho rằng, sự chênh lệch giữa các con số của mỗi bên là điều không tránh khỏi bởi thực tế mỗi bên đều có những cái lý riêng. Tuy nhiên, Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đã nêu rõ về tiền lương đối với khu vực DN. Theo đó, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, do không thống nhất về công thức tính chung, nên hàng năm vào mùa thương lượng tiền lương, mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu. Điều này dẫn đến những tranh cãi gay gắt về mức tăng lương tối thiểu.

Thực tế, một trong những vấn đề được các chuyên gia bàn luận nhiều trong việc thương lượng tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 đó chính là xác định nhu cầu sống tối thiểu. Nó bao gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm được tính trên 45 mặt hàng thiết yếu bảo đảm 2.300 Kcal/ngày, nhu cầu phi lương thực, thực phẩm của NLĐ; chi phí nuôi con bằng 70% chi phí của NLĐ. Vì không có công thức chung nên thời gian qua, đại diện cho các bên luôn tranh luận gay gắt về cách xác định nhu cầu sống tối thiểu.

TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, về nguyên tắc phương án tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo đủ phần thiếu hụt nhu cầu sống tối thiểu. Theo mục tiêu Đề án Cải cách chính sách tiền lương hiện hành, mức tăng lương tối thiểu vùng đạt được vào năm 2020 là khoảng 8,7%, cộng với bù trượt giá ở mức khoảng 4% và mức tăng GDP 6,6% - 6,8% như kế hoạch Quốc hội thông qua thì mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 phải là 12,7%. Nhưng mức tăng này là khá cao so với năm 2019 (gấp 2,4 lần). Phương án lùi thấp nhất có thể tăng 7,7% (trong đó bù trượt giá là 4% và bù thiếu hụt đảm bảo mức sống tối thiểu là 3,7%). Như vậy nếu theo phương án này, sẽ phải lỗi hẹn mục tiêu bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu vào năm 2020.

Những tranh cãi kéo dài, NLĐ mòn mỏi vì giấc mơ sống được bằng lương là điều vẫn luôn hiện hữu trong các phiên họp tiền lương quốc gia. Có một thực tế không thể phủ nhận là trong những năm qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có nhiều nỗ lực để tiền lương tối thiểu vùng gần đạt bằng mức sống tối thiểu. Nhưng đến thời điểm này, đời sống của công nhân trong các khu công nghiệp vẫn rất khó khăn.

* “Đây là cuộc họp đầu tiên để đại diện các bên nêu quan điểm, trình bày các nghiên cứu, phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Chắc chắn Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải họp thêm 1-2 phiên nữa để các bên thương lượng, trao đổi đi đến thống nhất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Phấn đấu trong tháng 7/2019 ‘chốt’ được mức lương tối thiểu vùng 2020 để trình Chính phủ” - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương tối thiểu vùng năm 2020: Những kì vọng có về đích?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO