Lý Sơn du ký

Chí Thành - Mai Hoàng 26/08/2016 15:30

Trong những chuyến rong ruổi, thật may chúng tôi đã một lần được đặt chân tới đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - hòn đảo thiêng liêng, trọng yếu chỉ cách quần đảo Hoàng Sa của nước ta hơn 100 hải lý.

Đảo Lý Sơn nhìn từ ngoài biển.

1. Với những người chưa một lần ra đảo Lý Sơn chắc sẽ có nhiều thắc mắc về hành trình. Nghe hai chữ “ra biển”, hay “ra đảo” sẽ nghĩ có nhiều khó khăn. Thực tế, đảo Lý Sơn cách đất liền 25 hải lý (khoảng 50km), hàng ngày vẫn có tàu thuyền của bà con từ đất liền ra đảo và ngược lại.

Từ Hà Nội hoặc TP HCM bạn có thể đi máy bay tới sân bay Chu Lai, hoặc đi tàu hỏa. Từ trung tâm TP Quảng Ngãi có thể đi taxi ra tới cảng Sa Kỳ (khoảng cách khoảng 20km) hoặc để tiết kiệm chi phí bạn sử dụng tuyến xe buýt 03 có lịch trình chạy Bến xe Quảng Ngãi - Cảng Sa Kỳ. Tuy nhiên lưu ý là bạn phải đi chuyến xe buýt sớm nhất lúc 5h sáng để đảm bảo ra được cảng sớm và không bị lỡ tàu.

Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn đồng thời có 1 chuyến tàu cao tốc ra đảo và vào đất liền. Tàu rời cảng trong khoảng từ 7h30 đến 8h00. Phòng vé được mở cửa vào 6h30 hàng ngày. Ngoài tàu cao tốc, mỗi ngày có 1 chuyến tàu vận tải (tàu gỗ) vận chuyển hàng hóa và cả hành khách ra đảo Lý Sơn, thời gian tàu gỗ chạy sẽ lâu hơn (180 phút) so với tàu cao tốc (60 phút).

Tượng đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Bữa đó, chúng tôi nhập vào đoàn của nhóm bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Trần Văn Cường- chàng sinh viên năm hai cùng nhóm bạn 12 người của mình đến Lý Sơn lần đầu tiên nhưng đã “rất thích” và “sẽ còn quay trở lại”.

“Mỗi bước đi để thấm sâu hai tiếng chủ quyền”, Cường nói. “Lý Sơn là hòn đảo gần nhất của quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Ra Lý Sơn cũng là dịp để chúng em tìm hiểu lịch sử Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, ngắm nhìn cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên núi Thới Lới, các thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa chùa Hang, chùa Đục, Âm linh tự - nơi hàng trăm năm nay tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, giếng Vua, Hang Câu, nhà cổ...”.

Lý Sơn hấp dẫn những người Việt trẻ còn bởi vẻ đẹp nguyên sơ của hòn đảo này. Cả đảo rất ít khách sạn, nhà nghỉ, nhưng bạn có thể xin ngủ nhờ trong bất cứ gia đình ngư dân Lý Sơn nào.

Đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn và đảo Bé. Đảo Lớn còn có tên Cù lao Ré giờ đang khoác lên mình bộ áo mới. Hành, tỏi - nông sản đặc trưng của vùng núi lửa đã tắt Lý Sơn vốn phục vụ cho dân cư trên đảo và cư dân tình Quảng Ngãi giờ đã trở thành những món quà đặc sản mà bất cứ du khách nào khi dời đảo cũng mang về. Trung bình, mỗi ngày hàng tạ hành, tỏi đã theo chân du khách về với các vùng, miền Tổ quốc.

Cụ Võ Chú đang thổi ốc u.

2. Huyện đảo Lý Sơn có tổng diện tích đất là 9,97km2, gồm 3 xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình, dân số khoảng 20.000 người. Mật độ dân số của huyện là 1.888 người/km2 và là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam.

Đêm đầu tiên trên đảo, chúng tôi làm quen dần với tiếng nói rất “đặc biệt” của người dân Lý Sơn. Giọng nói người Quảng Ngãi vốn đã nặng, đã khó nghe đối với người miền Bắc, nhưng giọng nói của ngư dân đảo Lý Sơn còn khó nghe hơn nhiều. Những người đàn ông khỏe mạnh, ăn sóng nói gió, da đen như thể cái nắng không thể làm họ đen hơn được nữa. Những người phụ nữ ai nấy cũng sạm đen vì nắng lửa.

Bên chai bia chúng tôi vừa mua về, chú Ba Đại làm tôi khá ngạc nhiên khi bảo:

- Có chợ đêm đó, tụi bây đi cho biết.

Hành, tỏi là món quà du khách mua khi rời Lý Sơn.

Uống xong cốc bia mát lạnh, theo chỉ dẫn của chú Ba Đại, chúng tôi đi chơi chợ đêm Lý Sơn. Tới nơi, đã thấy có khá nhiều du khách đang ăn uống ở chợ đêm. Trước khi tới Lý Sơn, nhiều người từng vỗ vai bảo, ngoài đảo chưa có điện đâu. Nhưng khi ra đảo, thì mới chắc chắn một điều, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo và ánh sáng điện đã được thắp sáng, đem tới cho người dân trên đảo nhiều tiện ích văn minh. Tất nhiên, điện ngoài đảo thì mới chỉ được ưu tiên cho ban đêm.

Cái cảm giác đi trong chợ đêm đảo Lý Sơn hoàn toàn khác với chợ đêm ở nơi khác. Bởi chợ đêm được họp ngay ở khu vực cổng chào huyện đảo, nơi đông vui nhất đảo về đêm. Đến đây, du khách được thưởng thức hải sản vừa được ngư dân khai thác. Nhum (cầu gai, nhím biển), một sản vật đặc trưng của Lý Sơn, hầu như du khách nào đặt chân đến đây cũng thưởng thức sản vật này. Bên cạnh hải sản, chợ đêm Lý Sơn còn bày bán nhiều mặt hàng khác như: hành, tỏi, đồ lưu niệm làm từ vỏ sò, ốc…

Được đặt chân tới Lý Sơn là một niềm tự hào, bởi tới nay hòn đảo này chưa chú trọng khai thác phục vụ du lịch. Hằng năm, lễ Khao lề thế lính được người dân các xã An Vĩnh, An Hải tổ chức vào tháng 2 theo lịch âm đã thu hút rất đông các nhà quay phim, các nhiếp ảnh gia.

Với các nghi lễ độc đáo, khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã đi vào nhiều thước phim, nhiều bức ảnh để từ đó lan tỏa những cứ liệu tuyên truyền về biển đảo, để thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn về giá trị thiêng liêng mà những người lính của Hải đội Hoàng Sa đã không tiếc máu xương gìn giữ từng tất đất chủ quyền Tổ quốc.

Vẻ đẹp nguyên thủy, chưa bị thương mại hóa làm nên sức hấp dẫn của hòn đảo này. Những hàng dừa cao ngạo nghễ hắt bóng xuống biển xanh. Những đồng tỏi phủ xanh đồng cát trắng. Rồi chùa Hang, chùa Đục. Mái đình An Vĩnh. Phía bên đảo Bé, cổng Tò Vò đã đi vào hàng trăm bức ảnh, mang lại nhiều giải thưởng cho các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên.

Anh Bùi Huệ bên những chú chó thân thiết.

3. Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định đi đảo Bé. Không đi cano, chúng tôi xuống con thuyền gỗ của chú Thông. Mất chừng 40 phút, chúng tôi đã đặt chân đến đảo Bé. Đảo Bé còn được gọi là cù lao Bờ Bãi hay đảo An Bình. Mùa hè, cái thiếu nhất ở đảo Bé chính là nước ngọt.

Trò chuyện với một người dân trên đảo được biết: Dù trên đảo có trạm cấp nước ngọt nhưng vẫn không đủ dùng. Bởi Trạm mới chỉ cung cấp mỗi ngày 25m3 nước ngọt, nên người dân đảo Bé phải hết sức dành dụm mới đủ dùng. Đến nay, người dân đảo Bé nhà ai cũng có chum, vại, thùng để chứa nước mưa.

Trên đảo đã có đường bê tông nên việc đi lại rất dễ dàng. Trò chuyện với bà con được biết, dân số trên đảo hiện có hơn 500 khẩu, 125 hộ, đa số mọi người đều là họ hàng với nhau, nên sống rất gần gũi.

Khi quyết định sang đảo Bé, nhiều người thích tới ngay hang Tò Vò. Còn chúng tôi, lại muốn tìm một người đàn ông rất nổi tiếng, đó là anh Bùi Văn Huệ. Sinh năm 1976, từ khi còn ở tuổi học trò, Bùi Văn Huệ cùng ngư dân làng chài ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đánh bắt cá.

Năm 2003, trong một lần lặn bắt thủy sản gần đảo Trường Sa Lớn, Huệ gặp nạn, dẫn đến teo cơ, liệt hai chân. Sau một thời gian ngắn sống trong tuyệt vọng, tình cờ anh xem tivi thấy những chú chó kéo xe trượt tuyết, nên đã nhờ cha mẹ tìm xin 2 chú chó của người dân trên đảo Lý Sơn, huấn luyện kéo xe lăn giúp mình đi lại.

Anh đặt tên cho những chú chó của mình với những cái tên, con Nô, con Pho. Rồi anh nuôi thêm con Út và Samba để huấn luyện, thành một “bộ tứ huyền thoại”, giúp anh thay đổi cuộc đời.

Cảm phục nghị lực của Bùi Huệ, một người ở TP HCM đã tặng anh chiếc xe tuk tuk chuyên dành cho người khuyết tật. Tuy vậy, Bùi Huệ không sử dụng chiếc xe này cho riêng mình. Anh dùng chiếc xe tuk tuk đó để phục vụ chở du khách tham quan quanh đảo Bé, với quan niệm: “Tôi muốn làm gì đó giới thiệu với du khách về xứ đảo quê mình”.

4. Bạn có thể gặp trên đảo Lý Sơn rất nhiều người như anh Bùi Huệ. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một tình yêu với hòn đảo tiền tiêu này. Bằng những việc cụ thể, thậm chí là nhỏ bé như anh Huệ đang làm, họ đang từng ngày làm cho mảnh đất quê hương mình trở nên giàu đẹp.

Chia tay đảo Bé, chia tay Lý Sơn, chúng tôi mong hòn đảo này ngày càng có đông du khách đến. Bởi vẻ đẹp nguyên sơ của hòn đảo, bởi những bãi tắm đẹp, và đặc biệt, bởi tình người hồn hậu nơi đây.

Được trò chuyện với những người phụ nữ không quản nắng gió phơi mình trên cánh đồng tỏi mênh mông ở An Vĩnh; được trò chuyện với cụ Võ Chú để hiểu hơn về ý nghĩa tiếng ốc u, về những ngôi mộ gió cùng lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; được trò chuyện với những người đàn ông Lý Sơn can trường bám biển trời Tổ quốc... điều đó giúp cho những ngày ta đang sống bớt tẻ nhạt và trở nên có ý nghĩa hơn...

Theo số liệu thống kê, năm 2015 có 100 nghìn du khách tìm đến đảo Lý Sơn. Trong 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 60 nghìn lượt du khách ra đảo, dự kiến số khách đến Lý Sơn sẽ vượt xa năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Thanh- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, để Lý Sơn phát triển nhanh và bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng gió bão. Trong tương lai, chính quyền và nhân dân Lý Sơn mong muốn có khu du lịch cao cấp ở đảo Bé vì còn quỹ đất 70 ha, quang cảnh hoang sơ, trong khi đảo Lớn đang dần trở nên chật chội vì đất đã được quy hoạch trồng tỏi, hành. Hiện nay đang có dự án kéo cáp ngầm từ đảo Lớn sang đảo Bé, việc nâng cấp đường truyền internet, phủ sóng wifi đang được triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý Sơn du ký

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO