Manh mún nhỏ lẻ khó cạnh tranh

Việt Thắng (Thực hiện) 07/08/2017 08:45

Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải có quyết tâm chính trị để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế.

Trao đổi với ĐĐK, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Tư nhân thấy sinh lời ở đâu thì làm nhưng không có tầm nhìn mang tính chiến lược, chỉ mang tính ngắn hạn. Cho nên Nhà nước cần có sự định hướng cho họ để các doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho những mảng chiến lược.

Ông Trần Anh Tuấn.

PV: Thưa ông, để kinh tế tư nhân thực sự cất cánh thì vấn đề cần đặt ra là phải lựa chọn những sản phẩm có tính cạnh tranh, sản xuất sản phẩm thế giới có nhu cầu chứ không phải sản xuất manh mún, thiếu tính cạnh tranh?

Ông Trần Anh Tuấn: Kinh tế tư nhân của ta manh mún, nhỏ lẻ, mang tính rải rác. Tư nhân thấy sinh lời ở đâu thì làm nhưng không có tầm nhìn chiến lược, chỉ mang tính ngắn hạn.

Sự tập trung nguồn lực vào một số ngành mang tính chiến lược không có sự tập trung nguồn lực do đó rất manh mún nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết với nhau nên khách hàng của doanh nghiệp (DN) rất riêng lẻ rời rạc.

Vì DN nào thấy được cái lợi trước mắt thì tập trung vào mảng đó cho nên quy mô nhỏ không có chiến lược mang tính kinh doanh.

Cho nên Nhà nước cần có sự định hướng cho họ mang tính chiến lược để bản thân các DN phải tập trung nguồn lực cho những mảng chiến lược.

Đó là cần có chiến lược phát triển các ngành sản phẩm mang tính quốc gia mang một tầm vóc lớn cho nên cần duy trì định hướng trên cơ sở thông tin thị trường thế giới, nhu cầu sản phẩm nội địa và thế giới về những ngành nghề sản phẩm mà nhu cầu của thị trường đang lớn tập trung nhiều.

Từ đó gắn với lợi thế của quốc gia, thế mạnh của từng địa phương đối với sản phẩm ngành mang tính chiến lược. Từ đó công bố để cho các doanh nghiệp biết, từ đó tập trung nguồn lực để hướng vào những ngành sản phẩm mang tính chiến lược.

Các ngành phải liên kết theo cả chiều dọc và chiều ngang. Liên kết ngang là những sản phẩm mà các DN sản xuất cùng loại phải có sự tập trung và liên kết với nhau.

Còn liên kết dọc là đầu ra của DN này phải là đầu vào của DN kia để mang tính chuỗi. Vừa liên kết ngang gắn với liên kết dọc thì mới tạo nên DN có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng lớn gắn với các DN lớn đa quốc gia, hay tự bản thân nó vươn lên thành đa quốc gia. Chứ nhỏ lẻ như hiện nay không thể vươn ra lớn nhanh lên khỏi lãnh thổ quốc gia, và đó là cái Nhà nước cần định hướng cho các DN.

Nếu thế chúng ta phải tái cơ cấu lại sản xuất của kinh tế tư nhân?

- Theo nguyên tắc thị trường, kinh tế tư nhân họ sẽ tự thấy được lĩnh vực ngành phát triển và sinh lời cao, hấp dẫn thì họ sẽ tự tái cơ cấu.

Nhưng chúng ta hỗ trợ về cơ chế chính sách, những chủ trương mang tính chiến lược để họ biết để tự tái cơ cấu hoạt động của chính họ và tự liên kết.

Để làm được điều đó về mặt chính sách chiến lược phải minh bạch rõ ràng và công bố cho các doanh nghiệp biết. Vì hiện các DN tư nhân đang vướng nhiều cái, trong đó phần thông tin chiến lược phát triển những chiến lược thông tin mang tính quốc gia họ đang thiếu và không thể dự báo được.

Cho nên cần phát triển theo mảng, ngành lĩnh vực nào trong thời gian tới để đáp ứng với yêu cầu nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Vì vậy Nhà nước cần hỗ trợ và tập trung nhiều hơn để họ gắn kết liên kết và tập trung nguồn lực để tăng quy mô hoạt động, vốn, nhân lực và sản xuất.

Ông vừa đề cập đến yếu tố công khai minh bạch, nhưng làm sao để thực hiện điều đó nhằm góp phần giúp kinh tế tư nhân định hướng phát triển, tránh những chi phí không chính thức?

- Đúng là cần công khai minh bạch mạnh hơn và chính sách cần thiết kế theo hướng hỗ trợ về thông tin công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, tức là hỗ trợ thị trường mang tính chiến lược cho họ.

Việc hỗ trợ đó phải công khai minh bạch bởi ngoài thủ tục về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng là những cái đã có chủ trương, nhưng công khai minh bạch hỗ trợ mà họ đang tắc trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vì không nắm được thị trường mà cứ làm manh mún nhỏ lẻ theo sự việc, hoạt động nhỏ lẻ thì sự phát triển mang tính bền vững không chắc chắn.

Công khai minh bạch không chỉ đơn thuần mang tính hành chính như xưa nay mà còn có thị trường thông tin, dự báo, sự phát triển của các ngành sản phẩm theo định hướng phát triển chung của cả nước, theo nhu cầu thị trường của thế giới, và khu vực để họ nắm bắt vận dụng trong sản xuất kinh doanh để tập trung nguồn lực phát triển. Đó là cơ sở, là tiền đề để liên kết sản xuất.

Như vậy công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và Nhà nước phải có hỗ trợ như thế nào khi yếu tố công nghệ đang là khâu yếu của DN tư nhân, thưa ông?

- Cái này có hai hướng. Ngắn hạn là chúng ta có chính sách khuyến khích các DN đổi mới về trang thiết bị và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên việc hỗ trợ doanh nghiệp khó và nó chỉ là giải pháp tình thế vì nguồn lực của Nhà nước có giới hạn nên hỗ trợ không đủ nguồn lực vì DN nào cũng muốn đổi mới.

Cho nên sự chọn lọc DN để hỗ trợ cũng là bài toán lớn trong quản lý Nhà nước. Chọn những DN nào phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, chiến lược phát triển kinh tế địa phương vì phải sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương hay quốc gia.

Trong khi nguồn lực khó khăn vì đổi mới công nghệ tốn kém và nhiều DN mong được hỗ trợ vậy nguồn lực đâu mà hỗ trợ nổi?

Cho nên bài toán đặt ra là căng thẳng về nguồn lực nhất là trong giai đoạn hiện nay rất là khó khăn, và doanh nghiệp được hỗ trợ nhưng cũng chẳng được bao nhiêu.

Còn bài toán mang tính lâu dài để sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ từ ngân sách cho những hoạt động đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ mới đi vào sản xuất thì chúng ta phải có trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thực sự.

Trung Quốc bây giờ tiếp cận công nghệ bằng các trung tâm tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tức là chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài và nghiên cứu sản xuất rồi nhân công nghệ đó ra và chuyển giao cho các doanh nghiệp nội địa. Chúng ta phải làm được như vậy thì nền sản xuất mới lớn và sự phụ thuộc vào nhập của các nước sẽ giảm hẳn đi.

Chúng ta ta đặt ra mục tiêu kinh tế tư nhân phấn đấu đóng góp 50-60% GDP. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Chủ trương gần đây theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ là tập trung cổ phần hóa, và hạn chế những ngành mà Nhà nước chi phối.

Bây giờ Nhà nước sẽ không làm thay thị trường, để thị trường tự quyết định. Những việc kinh tế tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm.

Nếu muốn khuyến khích thì môi trường phải bình đẳng do đó Nhà nước cần thu hẹp lại các ngành mà doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, trong khi khu vực tư nhân làm hiệu quả, khi doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tư nhân mới phát triển tốt được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Manh mún nhỏ lẻ khó cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO