Mạnh tay với bạo lực gia đình

Minh Quân – Phạm Sỹ 28/06/2022 06:48

Với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay, các gia đình Việt Nam ngày càng được tiếp cận, trang bị các kỹ năng tổ chức đời sống văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều gia đình cũng phải đối mặt với tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa các thành viên, đặc biệt là vấn nạn bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình đang trở thành vấn nạn của toàn xã hội (ảnh minh họa).

Vấn nạn chưa có hồi kết

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trong những năm qua câu chuyện bạo lực gia đình đang được “phủ sóng” rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Không khó để tìm được hình ảnh, clip những cảnh bạo hành trong gia đình, thậm chí là những vụ án thương tâm gây bức xúc trong xã hội.

Trường hợp bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết ở TP HCM đã gây một làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội, đặc biệt, chính mạng xã hội đã lan tỏa thông tin nhanh nhất về sự vụ này. Rồi vụ việc bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu... Mới đây nhất, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phá án thành công vụ việc chồng giết vợ rồi mang xác đi phi tang, xảy ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Thủ phạm gây án là Đoàn Thanh Trí (30 tuổi, trú tại thôn Trường Xuân 2, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt). Những vụ việc nói trên một lần nữa cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức xã hội.

Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) thực hiện thì, hiện gần 2/3 số phụ nữ (62,9%) từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình (về thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế...) và một nửa trong số đó chưa từng nói với ai về chuyện này. Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng các cuộc gọi tới đường dây nóng do UNFPA hỗ trợ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Không còn là chuyện của mỗi gia đình

Giới chuyên gia tâm lý nhận định, có rất nhiều nguyên nhân khiến bạo lực gia đình vẫn tồn tại, len lỏi vào trong cuộc sống của mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, ngoài những vụ việc nghiêm trọng được chính cộng đồng mạng lên án và thì nhiêu vụ việc bạo lực gia đình vẫn đang tồn tại âm ỉ, và nạn nhân là những người phụ nữ, những đứa trẻ... không dám nói ra.

Về vần đề này, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ, lâu nay chúng ta quá chú trọng đến chiến lược tăng trưởng kinh tế mà lơ là chiến lược phát triển xã hội, phát triển con người. Những năm qua câu chuyện bạo lực gia đình dường như là câu chuyện riêng “đèn nhà ai nấy rạng” mặc họ “đóng cửa bảo nhau”.

Bà Hồng nhấn mạnh, bạo lực gia đình phải được coi là vấn đề xã hội, không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình. “Một đứa trẻ bị cha mẹ đánh không phải là một đứa con của nhà ai đó bị đánh mà là một thành viên của xã hội bị đánh. Cha mẹ bạo hành con không phải là dạy con mà là đang vi phạm quyền trẻ em. Pháp luật cũng phải tăng cường các chế tài để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc phát hiện, tố giác và can thiệp khi chứng kiến bạo lực. Trẻ em ngay khi biết nói đã phải được trang bị kiến thức về quyền của mình, về dịch vụ và các cơ sở hỗ trợ khi cần thiết” – bà Hồng nhận định.

Để giảm thiểu tối đa vấn nạn bạo lực gia đình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ là câu chuyện của mỗi gia đình, mà cần phải có sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý.

Sau Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình do Bộ VHTTDL vừa mới ban hành, mới đây Bộ VHTTDL cũng đã báo cáo Quốc hội dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong báo cáo cũng chỉ ra, sau 15 năm thực hiện chính sách trong Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Theo đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Phải xây dựng văn hóa phòng, chống bạo lực gia đình

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, trước hết chúng ta phải tìm ra được những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Chúng ta không thể lấy lý do trong từng gia đình hay đổ lỗi cho từng cá nhân cụ thể nào. Khi thấy được tình trạng bạo lực gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân mang tính khách quan, chúng ta sẽ thấy bạo lực gia đình nghiêm trọng hơn so với những gì chúng ta chứng kiến.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần phải xuất phát từ vấn đề mới đang nảy sinh trong bối cảnh xã hội hiện nay, từ đó điều tiết bằng quy định pháp luật. Đối với những vấn đề mới, chúng ta phải thấy được gia đình hiện nay khác rất nhiều so với gia đình trước đây. Ở đó vai trò của cha mẹ với con cái có sự khác biệt do tác động của xã hội. Chúng ta phải tìm những giải pháp phù hợp để thích ứng. Điều quan trọng nhất phải xây dựng được văn hóa phòng, chống bạo lực gia đình. Với những gì đang diễn ra hiện tại, rõ ràng nhiều thói quen truyền thống đã không còn phù hợp với sự phát triển hiện nay.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội:

Sửa đổi luật phù hợp thực tiễn

Để phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả cần kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Các hành vi có liên quan tới bạo lực gia đình phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nhà nước cần có chính sách rõ ràng và hợp lý về phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và đảm bảo phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Để xây dựng văn hóa phòng, chống bạo lực gia đình, đầu tiên cần chú trọng tới xây dựng tính tự giác của mỗi người dân, mỗi cá nhân phải chủ động điều chỉnh các hoạt động, hành vi của mình theo các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa. Các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng hiệu quả môi trường văn hóa trong cộng đồng khu dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bạo lực gia đình để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay với bạo lực gia đình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO