Mạnh về lượng, chưa đủ!

Minh Phương 14/11/2020 06:25

Nếu nhìn vào con số báo cáo hàng năm, xuất khẩu nông sản của chúng ta vẫn rất ấn tượng khi lượng xuất khẩu vẫn gia tăng, kim ngạch cũng không giảm, tăng trưởng xuất khẩu lĩnh vực này được đánh giá là nổi trội so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có một thực tế là, sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng hàm lượng giá trị xuất khẩu trong hầu hết các lĩnh vực nông sản lại tỷ lệ nghịch với sản lượng.

Giới chuyên gia trong ngành thừa nhận, hàm lượng giá trị trong đa số nông sản còn thấp, nguyên do chính nằm ở khâu chế biến, bảo quản, mẫu mã, thương hiệu... chưa được chú trọng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu lên một con số: Hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

“Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu sang các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém” – ông Long nói.

Câu chuyện này không mới, song sẽ không bao giờ cũ trong bối cảnh hiện nay, và nếu các DN không thay đổi tư duy, chạy theo sản lượng mà không chú trọng phát triển thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, việc thua ngay tại sân nhà là khó tránh, đừng nói đến việc “đem chuông đi đánh xứ người”.

Có một chuyên gia người nước ngoài khi nhận định về những sản phẩm hàng hóa của chúng ta đã nói thế này: “Mặc dù rất nhiều sản phẩm của các bạn ngon, nổi trội hơn hẳn hàng của một số nước trong khu vực nhưng hàng của các bạn khi ra thị trường thế giới lại ít được để ý hơn. Đơn cử như sản phẩm bánh phồng tôm của Việt Nam, rõ ràng ngon hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Thái Lan nhưng do mẫu mã bao bì không nổi trội bằng, hay thiếu ngôn ngữ tiếng Anh in trên đó nên số lượng khách hàng rất hạn chế”.

Lấy một ví dụ như vậy để thấy, hàng hóa của Việt Nam chỉ thua hàng nước ngoài về mẫu mã thôi cũng đã tuột mất nhiều cơ hội.

Bộ Công thương gần đây tổ chức rất nhiều hội nghị xúc tiến thương mại với mục tiêu đưa hàng Việt vươn xa. Những nỗ lực này từ phía nhà quản lý đã góp phần khẳng định nhiều thương hiệu Việt trên các thị trường quốc tế. Rồi đây, với việc chúng ta thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các sản phẩm đặc sản vùng miền của chúng ta như cam Hà Giang, chè Thái Nguyên, quế Yên Bái... sẽ có cơ hội vươn xa, được người tiêu dùng thế giới biết đến. Gần đây, câu chuyện về gắn nhãn mác xuất xứ hàng hóa bắt đầu được nhắc đến nhiều. Và đó chính là yếu tố quan trọng để hàng Việt có thể cạnh tranh với các sản phẩm hàng hóa ngoại nhập.

Tuy nhiên, làm sao hàng hóa của chúng ta có thể chinh phục được người tiêu dùng nước ngoài, được thị trường thế giới biết đến và tin dùng, điều này phụ thuộc vào chính nhà sản xuất, DN của chúng ta trong việc thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, lấy chất lượng, chữ tín là yếu tố chú trọng đầu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh về lượng, chưa đủ!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO