Tín hiệu tốt lành từ xuất khẩu nông sản

Hải Nhi 07/10/2020 06:57

Từ khi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt. Đơn đặt hàng hiện nay khá nhiều.

Gia Lai xuất khẩu chanh dây theo Hiệp định EVFTA.

Xuất khẩu sang EU đạt trên 766 triệu USD từ 1/8

Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, ngày 6/10, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 9 tháng 2020 ước đạt gần 52,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu (NK) ước khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2%; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Về xuất khẩu, tháng 9/2020, kim ngạch XK ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng 8/2020 và là tháng đạt kim ngạch XK cao nhất trong 9 tháng qua; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt trên 1,6 tỷ USD (giảm 0,1%), lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD, thủy sản đạt 820 triệu USD (tăng 0,6%) và chăn nuôi đạt 34 triệu USD (tăng 17,2%),…9 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều các mặt hàng XK giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ.

Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt nhấn mạnh, từ khi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực ngày 1/8/2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. Tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1/8 đến nay đạt trên 766 triệu USD. So với tháng 7/2020, trị giá xuất khẩu sang EU trong tháng 8/2020 và tháng 9/2020 lần lượt tăng 11,5% và 32,4%. Đơn đặt hàng hiện nay khá nhiều.

Áp lực từ EVFTA?

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Hiện Việt Nam có 5 nhóm mặt hàng đạt trên 2 tỉ USD và đây là lợi thế của Việt Nam. Đối với gạo, chúng ta đã có chiến lược. Trong thời gian tới sẽ tập trung nhiều vào chất lượng thay vì số lượng bởi một số thị trường lớn như EU ăn ít gạo nhưng ăn gạo có chất lượng cao. Hạt điều và cà phê mặc dù chưa hết chu kì giảm, nhưng trước diễn biến của dịch Covid-19 vừa qua chứng tỏ ngay cả những khu vực chịu đựng tác động của dịch Covid-19 lớn nhất như Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Đức, thì nhu cầu cà phê vẫn rất tốt. Đối với mặt hàng tôm, Việt Nam đã làm tốt truy suất nguồn gốc và có đòn bẩy từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt EVFTA.

Cơ hội cho xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên những yêu cầu từ thị trường EU cũng rất khắt khe. Vậy, ngành nông nghiệp phải làm gì để đáp ứng? Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến và đặc biệt là bao bì, nhãn mác.

“Chúng tôi xác định một số nhóm ngành đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp để tập trung khai thác. Những nhóm ngành hàng này đã tập trung đẩy nhanh công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị kỹ về kỹ năng thương mại để hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Nhiều năm qua, một số lô hàng nông sản của Việt Nam đã bị EU trả lại hoặc từ chối nhập khẩu do nhiều nguyên nhân như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, không ghi nhãn đúng quy cách, không dán nhãn, sử dụng bao bì không đảm bảo chất lượng... Điều này cho thấy, chất lượng nông sản, khâu tự kiểm tra chất lượng và quy cách sản phẩm còn là vấn đề phải chú trọng cải thiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu và xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để chủ động đối phó với các tranh chấp thương mại (thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, đối kháng) và rào cản kỹ thuật (chất lượng, môi trường, bảo hộ sản phẩm chế biến...).

Tính chung 9 tháng, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần; thị trường ASEAN ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần; XK sang các nước EU đạt khoảng 2,83 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần; XK sang Nhật Bản đạt 2,51 tỷ USD, tương đương cùng kỳ và chiếm gần 8,4% thị phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu tốt lành từ xuất khẩu nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO