Thời điểm này, cảnh ùn ứ nông sản tiếp tục tái diễn ở nhiều cửa khẩu. Trong tình thế đó, giải pháp việc vận chuyển container lạnh liên vận quốc tế bằng đường sắt, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba đang được kỳ vọng là giải pháp thông đường cho nông sản.
Tàu container lạnh liên vận quốc tế đang được kiểm tra kỹ thuật, làm thủ tục thông quan tại ga Đồng Đăng để chạy sang ga Bằng Tường, sáng 24/3/2020.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan chiều 30/3, tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu biên giới lại tái diễn trong những ngày gần đây. Cụ thể các cửa khẩu miền Trung và miền Tây Nam Bộ lượng hàng hóa ùn ứ do thực hiện biện pháp cách ly 14 ngày đối với người điều khiển phương tiện vận tải khi đi qua biên giới. Do đó, các lái xe khi vận chuyển hàng hóa từ Lào, Campuchia về Việt Nam phải đưa vào các khu vực cách ly đã dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Tình hình ùn ứ hàng hóa cũng tái diễn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhiều nhất là ở các cửa khẩu của Lạng Sơn. Cập nhật của Tổng cục Hải quan đến thời điểm này, khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn này còn tồn 1.277 xe chủ yếu là nông sản, hoa quả. Trong khi đó, khu vực cửa khẩu Lào Cai tồn 172 xe cũng chủ yếu là nông sản, hoa quả. Nguyên nhân của việc tồn đọng là do Việt Nam và Trung Quốc tăng cường siết chặt công tác kiểm dịch y tế dẫn đến thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa tăng. Đồng thời, do lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang vào chính vụ lượng hàng hóa dồn đến cửa khẩu nhiều hơn so với năng lực xuất khẩu. Mặt khác, thời gian xuất khẩu chỉ giới hạn thực hiện trong giờ hành chính, năng lực bốc xếp hàng hóa hạn chế.
Để đón thời cơ xuất khẩu gia tăng trở lại, Bộ NNPTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT, UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm hải quan, kiểm dịch và lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa. Bên cạnh đó, các Bộ cùng tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương cân đối cung cầu hàng hóa, tránh đưa hàng hóa nhiều lên các tỉnh biên giới tạo ùn tắc, ứ đọng…
Về phía địa phương, để khắc phục tình trạng trên, cơ quan Hải quan và chính quyền các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Như tỉnh Lạng Sơn đang triển khai đàm phán với cơ quan Hải quan và lực lượng chức năng của Trung Quốc về việc xuất nhập khẩu tại đường bộ cửa khẩu Bình Nghi và phương án đưa lao động Việt Nam qua bốc xếp hàng hóa sang tải tại bãi xe Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực thông quan nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Còn tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc cho lái xe, người giao hàng Trung Quốc sang Việt Nam chở hàng đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa, người điều khiển phương tiện phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang phòng dịch.
Đáng chú ý, xuất trái cây sang Trung Quốc bằng container lạnh liên vận quốc tế đang được kỳ vọng là giải pháp thông đường xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, sau hơn 1 tháng vận hành chính thức đã có hơn 200 container lạnh liên vận quốc tế chở thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện tàu chuyên container lạnh chở hàng nông sản tươi sống từ phía Nam đến ga Đồng Đăng chỉ mất khoảng 70 giờ, giá cước thấp hơn đường bộ khoảng 20%, năng lực vận chuyển bằng 20 ô tô. Với thủ tục thông quan nhanh chóng, việc vận chuyển container lạnh bằng đường sắt xuất khẩu hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ 3 đã giúp các chủ hàng giảm được nhiều thời gian, chi phí so với vận chuyển bằng đường bộ. Ngoài thanh long, sắp tới sẽ có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt. Theo Tổng Công ty ĐSVN, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, việc triển khai thông quan hàng nông sản qua cặp cửa khẩu đường sắt ga quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) là giải pháp hiệu quả nhất.
Đặc biệt, việc xuất khẩu nông sản bằng container lạnh qua đường sắt sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch Covid-19 do không phải tổ chức cách ly các tài xế, chủ hàng khi vận chuyển hàng hóa theo đường bộ sang Trung Quốc quay về, số lượng người tham gia quy trình xuất khẩu nông sản ít nên giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh.