Mặt bằng lãi suất không ngừng tăng

T.Hằng – Y.Thanh 12/10/2022 06:36

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm không ngừng tăng kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành cuối tháng 9/2022. Thậm chí, tại một số ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi gần 9%/năm.

Các ngân hàng liên tục tăng mức lãi suất huy động. Ảnh: Quang Vinh.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động

Lãi suất các sản phẩm tiền gửi trên thị trường liên tiếp bị phá vỡ. Nếu như cách đây 1 tuần, mức lãi suất cao nhất là 8,4%/ năm, rồi 8,8%/năm thì nay đã chạm ngưỡng 8,9%/năm.

Tại SCB sau cơn biến động rút tiền, ngân hàng này đã mạnh tay nâng lãi suất huy động tiết kiệm lên khoảng 1% so với trước đó. Cụ thể, đối với tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%.

Trong đó, mức lãi suất cao nhất là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tiết kiệm gửi tại quầy cũng được tăng lên.

Sau đó, Kienlongbank tung ra chương trình ưu đãi tiết kiệm số ưu việt với mức lãi suất huy động lên tới 8,6%/năm. Đối với các kỳ hạn ngắn (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng) mức lãi suất ưu đãi cũng được điều chỉnh dao động từ 8,1% - 8,3% tùy từng kỳ hạn, tương đương tăng khoảng 1 điểm % so với trước đó.

Trong trường hợp khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy thay vì tiết kiệm trực tuyến, mức lãi suất cũng được điều chỉnh tăng 0,3 điểm % tương ứng với từng kỳ hạn. Sau điều chỉnh, biên độ lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 36 tháng dao động từ 7,8% - 8,3%.

Thông thường, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất cao đối với các khoản tiền gửi lớn, từ hàng trăm tỷ đồng trở lên. Nhưng nay, lãi suất cao áp luôn cho các khoản tiền gửi nhỏ. Ví dụ, tại Ngân hàng Bản Việt chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng, khách hàng đã được hưởng mức lãi suất lên tới 8,4%/năm.

Lãi suất tăng khiến không chỉ người vay mà người gửi tiền cũng chóng mặt. Ông Nguyễn Đình Long (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho biết trong tuần qua, được nhân viên của ba ngân hàng gửi thông báo tăng lãi suất huy động. "Tôi cứ thấy ngân hàng nào lãi suất cao là chọn gửi. Ở tuổi 70, không kinh doanh, tiền tích cóp để gửi tiết kiệm thì cứ ngân hàng nào lãi cao là ưu tiên” - ông Long chia sẻ.

Nhiều dự báo cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng thêm 1-1,5 % trong cả năm 2022. Mặc dù ngành ngân hàng cho biết sẽ giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhưng cuộc “chạy đua” tăng lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay sẽ kéo theo đà tăng của lãi suất cho vay, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho hoạt động ngân hàng.

Doanh nghiệp gặp khó

Khi lãi suất huy động tăng lập tức tác động ngay tới lãi suất cho vay. Một khách hàng vừa đáo hạn 8 khế ước tại Ngân hàng ACB chia sẻ thông tin, nhân viên ngân hàng thông báo khoản vay của anh lãi suất đã tăng từ 8,5%/năm lên 10%/năm. Dẫu biết mức lãi suất 10% là đang “khá thấp” trên thị trường nếu như so sánh với một số ngân hàng khác, nhưng theo vị khách hàng này, vay 2 tỷ mỗi năm trả hơn 200 triệu tiền lãi thì biết kinh doanh như thế nào để bù được nợ trả ngân hàng.

Ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho hay, ngân hàng tăng lãi suất chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ đến nguồn vốn đã, đang và sẽ vay mà còn đến giá trị, tỷ giá của đồng tiền Việt Nam. Theo ông Bình, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải nhập khẩu máy móc, thiết bị để sản xuất, tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng càng tăng, nhất là giai đoạn cuối năm thường là thời gian cao điểm cho các kế hoạch sản xuất, giải quyết các hợp đồng trong năm cũng như chuẩn bị nguồn lực cho năm tới.

Thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp đang vay vốn với mức lãi suất trung bình từ 7-10%, khá cao so với biên độ tăng trưởng lợi nhuận của không ít doanh nghiệp. Do đó, lãi suất tăng chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kéo theo lợi nhuận có thể đi xuống.

Một khảo sát mới đây chỉ ra rằng, áp lực tăng giá đầu vào của doanh nghiệp được dự báo kéo dài tới hết năm 2023.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, các doanh nghiệp cho rằng rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp đều cần vốn nên cần chính sách ưu đãi lãi suất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Chẳng hạn gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% đang được triển khai. Tuy nhiên một trong những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận khoản vay ưu đãi này là phải nằm trong nhóm giảm doanh thu của năm trước đó nên khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện và khó tiếp cận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt bằng lãi suất không ngừng tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO