Mất mát của sự tức giận

TRẦN HỮU THĂNG 08/05/2022 06:16

Tức tối, tức giận, giận dữ, giận dỗi, nóng giận, nóng tính, nóng vội là những trạng thái cảm xúc có thật, xảy ra thường xuyên với mỗi con người trong đời sống hàng ngày.

Tranh:ST

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Giận là cảm thấy không bằng lòng, bực bội vì người có quan hệ gần gũi hoặc ai đó đã làm trái ý mình. Thí dụ: Đang cơn giận dữ. “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê” (ca dao)”. “Giận dữ là tỏ ra giận lắm, giận một cách đáng sợ. Thí dụ: Cái nhìn giận dữ”. Và, ở một trang khác, “Từ điển tiếng Việt” viết: “Tức giận, tức tối là tức trong lòng (nói khái quát). Thí dụ: Thấy người ta hơn mình thì tức tối. Giọng tức tối”.

“Khi cơn tức giận ập đến, bạn cần phải đếm thật chậm từ 1 đến 10 trước khi nói. Khi nào rất tức giận, bạn phải đếm thật chậm từ 1 đến 100 trước khi nói”.

Kết quả của những cảm xúc từ thấp đến cao của “Tức và giận” sẽ đi đến đâu? Dẫn đến kết quả gì?

Cha ông ta đã dạy một cách khái quát là: “Giận quá mất khôn”, nói dễ hiểu hơn: tất cả những cảm xúc âm tính kể trên là dại dột, là mất mát, là đổ vỡ, là thất bại.

Thiên tài người Ấn Độ, nhà triết học Mahatma Gandhi (1869 - 1948) đã định nghĩa một cách khái quát: “Tức giận và không thể chấp nhận là kẻ thù của sự suy nghĩ đúng đắn”. Nhận xét này của Gandhi đã giúp cho biết bao thế hệ con người giác ngộ và trưởng thành.

Có thể diễn giải lời dạy đó như sau: Xã hội loài người trải qua hàng ngàn năm, ngày càng tiến bộ, ngày càng văn minh là nhờ có những suy nghĩ đúng đắn, những tư duy logic, những ý kiến tranh luận, phản biện đúng đắn. Đó là: Bình tĩnh, kiên nhẫn đón nhận khó khăn, gian khổ, nghịch cảnh để từ từ tìm cách thích nghi, tìm cách hóa giải. Thế mà ta lại đón nhận các công việc với sự tức giận, với thái độ bất hợp tác, không chấp nhận chính là đã mất đi lý trí khôn ngoan, đẩy tình thế vào trạng thái khó hơn, tồi tệ hơn lúc trước. Đó là dại dột, là bế tắc, là không lối thoát.

Triết gia cổ đại Horace (từ năm 65 đến năm 8 trước Công nguyên) đã mổ xẻ hết sức đúng đắn: “Tức giận là một cơn điên ngắn”. Nguy hiểm thay việc hành xử của một người điên! Vì thế phải: Tự mình kìm hãm ngăn cản cơn điên ngắn ấy lại bằng cách im lặng, nhẫn nhịn, tập thở sâu, tập thiền, tập Yoga cho qua cơn tức giận ấy để tìm lại sự bình tĩnh, thong thả, khôn ngoan.

Người xưa đã nói: “Khôn ba năm, dại một giờ” chính là cái một giờ tức giận, mất lý trí, phát điên để rồi tan vỡ tất cả. Trong một phút nóng giận, hai vợ chồng cùng ký đơn ly hôn để rồi hối hận suốt đời. Trong một phút nóng giận, rút dao đâm chết người để sống nửa đời còn lại trong tù ngục. Trong một phút tức giận, ông giám đốc xí nghiệp đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim phải ra đi vĩnh viễn. Vì thế, khi vào thăm người bệnh tim, người tai biến mạch não, các bác sĩ đều dặn dò: “Đừng nói câu gì làm bệnh nhân xúc động hay tức giận để tránh đột quỵ lần thứ hai, tức là lần cuối cùng đó”.

“Hãy giữ cái áo sạch từ khi còn mới, hãy giữ tâm hồn trong trắng của con bạn từ khi nó còn ấu thơ”.

Tức giận tuy không được xếp vào bảng “Phân loại bệnh tật” nhưng hậu quả do nó mang lại thì hết sức khủng khiếp. Vì sao như thế? Cần có thêm những phân tích của các nhà triết học về “bộ mặt” của sự tức giận.

Triết gia Cato (từ năm 234 đến năm 149 trước Công nguyên) đã nhận xét: “Khi tức giận con người há hốc mồm và nhắm nghiền đôi mắt”. Mô tả này của triết gia cổ đại đã hơn 2000 năm trước, nhưng sao vẫn đúng đến thế, đáng thương đến thế, đáng tội nghiệp đến thế khi mô tả vẻ mặt của con người đang tức giận.

Triết gia Alfred A.Montapert (1906 - ?) cũng cảnh báo về cái hại, cái mất rất tổng quát của “tức giận”, nó đã làm hại mình, tự đầu độc các phủ tạng của chính cơ thể mình. Ông viết: “Mỗi lần bạn lên cơn tức giận là bạn đã đầu độc chính cơ thể bạn”. Còn ông Waldo Emerson (1803 - 1882) thì tính toán rất cụ thể về tác hại của sự tức giận như sau: “Mỗi một phút duy trì sự tức giận bạn đã hủy hoại 60 giây sự an lành trong tâm hồn bạn”. Mà chao ôi, sự an lành của tâm hồn đáng quý biết bao nhiêu, đáng trân trọng biết bao nhiêu. Một nhà tỷ phú Mỹ trước khi tự sát đã kêu to: “Trời ơi, sao tôi không có được một phút an lành trong trái tim tôi”.

Sau những dẫn chứng cụ thể về những tác hại, những tai họa do sự tức giận gây nên, vậy thì có cách nào, có cách luyện tập, cách tu dưỡng, cách học tập nào để xa lánh được tức giận không? Có đấy, nhưng rất khó, phải cố gắng, phải nhẫn nhục, phải chịu đựng mới mong có được kỹ năng chống lại sự tức giận này. Nhiều sách giáo khoa về kỹ năng sống, nhiều triết gia đã phổ biến nhiều bài lý thuyết, bài thực hành, nhưng tựu trung gồm có hai loại:

Phần tập luyện từ tuổi ấu thơ đến suốt đời (Phần A).

Phần đối phó ngay lập tức để đề phòng và tránh sự tức giận (Phần B).

“Tức giận là cơn gió độc thổi tắt ngọn đèn trí tuệ của bạn”.

Trong phần A cần chú ý các điểm sau: Từ tuổi ấu thơ, lúc đã biết nói, biết nghe, đi học mẫu giáo, mọi gia đình phải hết sức chú ý đến giai đoạn đầu đời cực kỳ quan trọng này của đứa trẻ. Nếu cha mẹ cãi nhau, đánh nhau, nói xấu nhau, nguyền rủa nhau trước mặt con, sẽ để lại một dấu ấn thảm hại, cay đắng, chua xót, đau đớn cho đứa trẻ sau này. Cái ác, cái xấu sẽ bắt đầu tiếp cận các em qua mắt thấy, tai nghe, vẽ lên một đường hằn tai hại trên bộ não còn non nớt của các em. Tờ giấy trắng tinh khôi đã bị bôi bẩn. Cành cây còn non đã bị uốn cong. Nên chú trọng đến lời dạy sau đây của các triết gia cổ đại: “Hãy giữ cái áo sạch từ khi còn mới, hãy giữ tâm hồn trong trắng của con bạn từ khi nó còn ấu thơ”.

Chao ôi, một gia đình hòa thuận, kính trên, nhường dưới, trong ấm, ngoài êm chính là môn thuốc công hiệu để tránh cho bệnh tức giận, nóng giận, hồ đồ, ghen tức cho suốt cả một cuộc đời con người. Đáng quý biết bao một gia đình hạnh phúc, thuận hòa, biết hy sinh chia sẻ thông cảm cho nhau. Trước đây, người ta gọi là “Nếp nhà”, là “Gia phong”, ngày nay gọi là “Gia đình văn hóa”. Đừng coi thường điều này, quan trọng lắm đấy, thiết thực lắm đấy, không tiền bạc nào có thể mua được, chỉ có sự phấn đấu bền bỉ của mọi thành viên trong gia đình mới có được “Gia đình văn hóa”.

Trong phần B cần chú ý các điểm sau: Phần này tạm gọi là các kỹ năng chống lại sự tức giận, sự nóng tính, sự ghen tức, sự tức tối vốn rất sẵn có trong bản năng có nguồn gốc sinh vật của con người. Trước hết phải tuân theo một nguyên lý rất cơ bản, rất khoa học, rất thực tế của triết gia Wayne Dyer đã đưa ra vào năm 1940 của thế kỷ trước. Nguyên lý của ông là: “Bạn không thể trong một lúc cùng thể hiện sự tức giận và sự tươi cười được”.

Vậy thì bạn phải luyện tập suốt đời tính hài hước, vui tươi, khỏe về thể chất và tinh thần để bộ mặt lúc nào cũng đẹp, phong thái lúc nào cũng ung dung, đĩnh đạc, không bao giờ nóng giận. Ở đời cái gì tập luyện mãi cũng thành thói quen, sao không cố gắng mà tạo được thói quen tươi cười, xởi lởi, thân mật, chan hòa cho suốt một đời vinh dự được làm người, được thở hít không khí dưới ánh thái dương tràn ngập niềm vui. Làm gì có cơ hội được sống lần thứ hai, vì thế nên quý trọng những giây phút “ở đây và bây giờ” (now and here) mà tất cả các sách dạy làm người trên thế giới đều đề cập đến.

Trong cổ học Đông phương, triết gia Khổng Tử (từ năm 551 đến năm 479 trước Công nguyên) cũng dạy cách phòng tránh sự tức giận rất tuyệt diệu như sau: “Khi cơn tức giận ập đến, phải lập tức nghĩ ngay đến những hậu quả do nó sẽ gây ra”. Nếu ta học được lời dạy của Khổng Tử, ta hãy nối liền hai cụm từ “tức giận” và “hậu quả”, “tức giận” và “hậu quả”... mấy chục lần sẽ nhớ đến suốt đời cái cơ chế phòng bệnh rất hiệu quả này. Cơ chế phòng tức giận này tuy đã có từ mấy ngàn năm trước mà sao nó giống hệt cái khẩu hiệu Phòng bệnh của thời hiện đại như: “Hút thuốc lá - ung thư phổi”, “Bia, rượu nhiều - ung thư gan”. Thậm chí người ta viết rõ ràng trên bao thuốc lá dòng chữ “Ung thư phổi”, vẽ hình hai lá phổi bị ung thư để cảnh báo những người chưa tỉnh ngộ trong việc từ bỏ thuốc lá.

Nhớ lại trong các sách giáo khoa của thế kỷ trước, người ta cũng có dạy phương pháp giúp con người bình tĩnh trở lại, tránh mọi sự tức giận mà mất khôn ngoan, làm điều xằng bậy, để lại hậu quả đáng tiếc bằng cách cho người đang tức giận uống một cốc nước sôi. Dĩ nhiên là không uống ngay được, phải đợi 5 phút, 10 phút cho nước nguội đi mới uống được. Cái cơn tức giận cũng nguội dần, nguội dần mà bình tĩnh trở lại, mà khôn ngoan trở lại. Triết gia Thomas Jefferson (1743 - 1826) lại có một phương pháp chống lại cơn tức giận là: “Khi cơn tức giận ập đến, bạn cần phải đếm thật chậm từ 1 đến 10 trước khi nói. Khi nào rất tức giận, bạn phải đếm thật chậm từ 1 đến 100 trước khi nói”.

Thật quá khôn ngoan và may mắn cho những ai áp dụng được lời dạy này trên bước đường trưởng thành của mình. Thế rồi cứ tập mãi, tập mãi sẽ thành thói quen, dần dần loại bỏ được hẳn những cảm xúc bồng bột, nông nổi, thiếu thận trọng trong suốt cả một cuộc đời. Theo phương pháp này của Jefferson, người nào thông minh, sáng dạ thì trong đời chỉ cần đếm chậm vài chục lần đã trưởng thành, khôn lớn, biết loại trừ sự tức giận ra khỏi cuộc đời mình. Người nào tối dạ hơn, ít trí khôn hơn thì phải mất hàng trăm lần đếm chậm mới trưởng thành được, mới chững chạc bình thản được với cuộc đời.

Nói chung, cũng tùy hoàn cảnh, chỉ biết cứ cố gắng luyện tập thì kết quả sẽ tránh được sự nông nổi tức giận, chẳng được nhiều thì cũng được một phần là đáng quý lắm rồi. Trên thực tế, có người bị đuổi việc, mất công ăn việc làm rồi mới tỉnh ngộ. Có người gia đình tan vỡ rồi mới tỉnh ngộ. Có người đi tù về rồi mới tỉnh ngộ. Thôi đành tùy duyên, tùy nghiệp vậy chứ biết làm sao để tránh được những cơn nóng tính, những cơn tức giận.

Để khép lại bài viết, chỉ cần nhớ lời khẳng định rất khái quát của triết gia Robert Green Ingersoll (1833 - 1899): “Tức giận là cơn gió độc thổi tắt ngọn đèn trí tuệ của bạn”. Như thế, ai ai cũng phải hết sức đề phòng cơn gió độc ấy để giúp cho cuộc sống của tất cả chúng ta được bình an, vô sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất mát của sự tức giận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO