Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Hội thảo khoa học đề tài “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Sáng 28/7, tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị diễn ra Hội thảo khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đề tài “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Hội thảo do ông Đào Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, chủ nhiệm đề tài chủ trì.
Báo cáo đề dẫn và chuyên đề “Những kết quả đã được nghiên cứu, triển khai của đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh” năm 2021, ông Đào Mạnh Hùng cho biết, những đợt thiên tai diễn ra vào tháng 10, 11/2020 đã khiến toàn tỉnh Quảng Trị có có 53 người chết, 1 người mất tích, 37 người bị thương; 1.129 nhà bị thiệt hại nặng trong đó có 119 hộ gia đình phải di dời khỏi nơi ở, 108.058 lượt nhà bị ngập nước.
Bên cạnh đó, từ ngày 10/7/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 6 đợt lũ khiến 98/124 xã, phường, thị trấn bị ngập lụt, chia cắt với 61.393 hộ/193.972 người bị ngập lụt; 15.372 hộ/49.757 người đã được triển khai sơ tán dân tránh lũ, tránh sạt lở đất đến các địa điểm an toàn; có trên 316 điểm trường bị ngập lụt, có nơi trên 3 mét, thiệt hại khá nặng nề, cơ sở vật chất nhiều trường học bị thiệt hại, hư hỏng.
Trước tình hình trên, rất nhiều tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước; đặc biệt, nhờ sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã có hơn 5.060 đoàn thiện nguyện đến tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại thiên tai. Trong đó, thông qua Mặt trận tổ quốc tỉnh khoảng 1.000 đoàn, thông qua huyện, thị, thành phố khoảng hơn 4.000 đoàn, số còn lại các đoàn trực tiếp đến với người dân thông qua tìm hiểu trên mạng internet hoặc người thân là người địa phương mà không qua chính quyền địa phương hoặc chỉ là thông qua thôn, bản.
Tuy nhiên từ trận lũ lịch sử này cũng phát sinh rất nhiều khó khăn và bất cập trong việc nắm bắt thông tin cần hỗ trợ của người dân và công tác thiện nguyện. Các đội nhóm thiện nguyện ồ ạt đi vào vùng lũ nhưng không thông báo với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng dẫn đến phát sinh rất nhiều vấn đề bất cập và rủi ro khó lường.
Từ những vấn đề đặt ra ở trên hiện nay đã có nhiều cá nhân, thiện nguyện thành lập các nhóm hoặc trang fanpage trên Facebook, Zalo để hỗ trợ các đoàn thiện nguyện, tuy nhiên chỉ phục vụ cho một số mục đích của cá nhân, những thông tin gửi đến người dùng có thể không chính xác, chưa được kiểm chứng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm tác giả đề xuất xây dựng “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Tại hội thảo, đại biểu tham dự được lắng nghe báo cáo về các chuyên đề; nhiều tham luận của các đại biểu tham dự và ý kiến của đại diện cơ quan Quản lý đề tài; các sở, ban ngành tại tỉnh Quảng Trị.
Tiếp thu, cảm ơn ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, ông Đào Mạnh Hùng cho biết, đây mới là những bước khởi đầu của đề tài khoa học “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Theo đó, ông mong muốn, thời gian tới, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tại tỉnh Quảng Trị… tiếp tục đóng góp ý kiến, tạo điều kiện để sản phẩm của đề tài được nhân rộng, ứng dụng một cách thiết thực, hiệu quả trong cộng đồng; qua đó, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.