Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình phức tạp, nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, nhiều hình thức hỗ trợ, nhiều biện pháp sáng tạo trong phát triển kinh tế đã giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2020, Sơn La phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,42%.
Trồng cây sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường La (Sơn La).
Nậm Lạnh là xã biên giới của huyện Sốp Cộp. Những năm trước, cái đói, cái nghèo là “bạn đồng hành” lâu năm của người dân vùng biên này. Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về cơ chế chính sách giảm nghèo, từ đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tự chủ, tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Xã Nậm Lạnh đã rà soát, xác định thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Tại các bản vùng thấp, gần trung tâm xã, tập trung phát triển cây cam, quýt; các bản vùng cao thì xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng. Từ định hướng này, toàn xã chuyển đổi được 124 ha cây ăn quả, phát triển đàn gia súc trên 4.300 con. Nhờ sự chuyển đổi này, đời sống nhân dân có nhiều đổi mới.
Anh Tòng Văn Tiên, Trưởng bản Lọng Tòng, cho biết: “Trước đây, người dân trong bản chủ yếu trồng sắn, ngô, đời sống khó khăn. Được tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bà con đã chuyển sang trồng cam, quýt, cho thu nhập ổn định. Bản Lọng Tòng hiện mỗi năm cho thu hoạch gần 50 tấn quả”. Khi triển khai các mô hình kinh tế mới, không phải người dân nào cũng “thông” ngay chính sách, nhất là khi phải thay đổi tập quán canh tác lâu đời. Cán bộ Mặt trận phải vào cuộc giải thích, vận động để người dân yên tâm. Cùng với đó, nhiều hộ nghèo vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác. Đến nay, toàn xã hơn 840 hộ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ trên 30 tỷ đồng.
Nậm Lạnh là thí dụ điển hình cho sự chuyển mình của Sơn La, nói chung, huyện Sốp Cộp nói riêng, khi cấp ủy, chính quyền đưa ra chủ trương đúng, vận dụng hợp lý các nguồn lực đầu tư của Chính phủ, Mặt trận tích cực vận động và nhân dân ủng hộ triển khai. Tính trên toàn huyện, Sốp Cộp đã thực hiện 24 dự án, mô hình trồng cây ăn quả các loại như cam, quýt, bưởi, chanh leo, mô hình chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa) và hỗ trợ khai hoang phục hoá... tổng kinh phí gần 33 tỉ đồng, cho 4.107 lượt hộ thụ hưởng. Ngoài ra còn tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng dân cư với trên 1.500 lượt người tham gia; mở 24 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Cùng với Sốp Cộp, huyện Mai Sơn cũng tích cực triển khai các biện pháp xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện Chương trình 135, trong giai đoạn 2016-2020, với tổng nguồn được giao trên 72 tỷ đồng, huyện đã đầu tư 57 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng .Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ cho 3.653 hộ nhiều cây, con giống. Tập huấn, cung cấp thông tin, trang bị kiến thức pháp luật cho 1.826 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp phát cho các xã, thị trấn 44 quyển sổ tay truyền thông về giảm nghèo, 264 đĩa CD tuyên truyền về các mô hình giảm nghèo... Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo, tính đến cuối năm 2019, huyện Mai Sơn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,64%, bình quân hàng năm giảm từ 2-3% theo đúng mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 37,8 triệu đồng/ người/ năm.
Thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, MTTQ các cấp đã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả thu nhập vài trăm triệu đồng/năm được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh như phát triển các loại cây ăn quả, trồng rau an toàn theo công nghệ mới, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Ông Lò Mai Kiên- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La cho biết, trong năm 2019, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giúp đỡ người nghèo bằng nhiều hình thức, tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp vận động được hơn 9,3 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 435 nhà ở cho người nghèo, tặng trên 7.500 suất quà cho học sinh con em hộ nghèo đi học, hơn 8.000 suất quà tặng các hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình hỗ trợ hội viên, đoàn viên xóa đói, giảm nghèo như mô hình “Xóa đói, giảm nghèo vùng đặc thù”, Dự án “Ngân hàng bò”, hỗ trợ trâu bò sinh sản luân chuyển cho các hộ nghèo của Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ; Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh; “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” của Hội Liên hiệp phụ nữ... đã giúp trên 6.000 lượt hộ nghèo với số tiền trên 4,5 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, các tập thể, cá nhân, đoàn viên, hội viên trong và ngoài tỉnh còn giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hàng nghìn ngày công lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
“Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 584 hợp tác xã và 4 liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Qua đó, đã đẩy mạnh các hình thức hợp tác tổ chức sản xuất, như mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các doanh nghiệp, liên kết các hộ gia đình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị nông sản bền vững, gắn với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch bền vững.
Thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua MTTQ các cấp đã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả thu nhập vài trăm triệu đồng/năm được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh như phát triển các loại cây ăn quả, trồng rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo công nghệ mới, chăn nuôi gia súc, gia cầm...