Câu chuyện đẹp về những tấm lòng cao cả sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” cho người khó khăn hơn mình, ngay cả khi cuộc sống còn rất nghèo khó trong mùa Covid -19 có lẽ sẽ còn được nhắc đến nhiều.
1. Đó là những người nông dân chân chỉ hạt bột, một nắng hai sương ngoài đồng ruộng như bà Thiều Thị Tuyết (69 tuổi) ở thôn Quang Trung 1, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, thường xuyên đau ốm, bệnh tật triền miên, thuộc diện hộ cận nghèo nhưng vẫn sẵn sàng sẻ chia suất tiền của mình cho người khác vì “tôi vẫn có hơn 1 sào ruộng, có vườn để trồng rau, nuôi gà, trong khi có nhiều người nằm một chỗ, ốm đau không có tiền thuốc men nên tôi quyết định từ chối nhận tiền để bù thêm cho những đối tượng khó khăn hơn”.
Đó là lá đơn đầy lòng tự trọng - một quyết định đồng lòng của mẹ con bà Trịnh Thị Ngát - trú tại thôn Phú Thọ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) nhường hỗ trợ vì “còn tự xoay sở được”.
Và đó còn là câu chuyện của một người đàn ông cô độc, nhiều năm sống trong nghèo khổ, thiếu thốn, ngày ngày đạp xe lang thang khắp phố phường khu Chợ Lớn, Bình Tây, Phú Lâm, Mả Lạng để nhặt ve chai, bán đậu phộng hay thậm chí từng đi ăn xin như ông Trương Lâm (65 tuổi) ở tại phường 12 quận 8, TP HCM cũng muốn nhường cho người vất vả hơn mình vì ông thấy cuộc sống “vẫn ổn” khi công việc lượm ve chai, bán đậu phộng… vẫn đủ tiền mua cơm.
Và còn rất nhiều người như vậy. Tinh thần tương thân tương ái, vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu bên trong những thân phận nghèo khổ, bên trong những con người bình dị, để chứng tỏ một điều, dẫu cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng họ vẫn có thể sống đẹp ngay cả khi giông bão cuộc đời ập đến.
Nhưng vì sao một giá trị tưởng như rất tự nhiên là sống đẹp bỗng nhiên trở thành nỗi hoài nghi của dư luận xã hội? Phải chăng là bởi lối hành xử kém tinh tế vẫn đang hiện hữu từ căn bệnh thành tích của một số cán bộ khi tự ý vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ? Điều này đang có nguy cơ lấn át cả những giá trị tốt đẹp, làm mất đi niềm tin của người dân vào cuộc sống, ảnh hưởng đến giá trị nhân văn của gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ.
Chúng ta đang làm công tác lập danh sách, xác định đối tượng để chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra với yêu cầu đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, tránh xảy ra sai sót, tiêu cực. Công việc này có dễ không khi 62 ngàn tỷ đồng sẽ được chi trả cho khoảng 20 triệu người thuộc diện nhận hỗ trợ?
2. Ngẫm lại một chuyện rất xưa để thấy rằng có những điều chưa bao giờ là cũ.
Đó là câu chuyện chia thịt hổ của vua Trần Nhân Tông. Sau khi nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông, đất nước thanh bình, để rèn luyện sức khỏe và lòng dũng cảm, nhiều nơi vẫn tổ chức cho tráng sĩ đấu với hổ. Trong một lần cha - con cùng xem đấu hổ, Trần Nhân Tông hỏi con là Thái tử Trần Thuyên (sau này là vua Trần Anh Tông): “Giết hổ và chia thịt hổ, việc nào khó hơn?”. Thái tử trả lời: “Thưa cha, giết hổ con nghĩ là khó hơn”.
Vua cha Trần Nhân Tông đã đưa ra cho con mình một đáp án khác: “Chia thịt hổ khó hơn”. Giết hổ tưởng khó mà dễ. Bởi khi biết hổ dữ, mọi người đồng lòng hướng mũi tên, chĩa ngọn giáo về một hướng. Nhưng, khi chia thịt, ai cũng muốn phần hơn, dễ sinh đố kỵ, hiềm khích, thậm chí đánh nhau vì miếng thịt.
Trở lại chuyện của hôm nay. Việt Nam đang có những thắng lợi bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Dù không phải là một quốc gia giàu mạnh trên thế giới nhưng Việt Nam lại là một đất nước chiếm trọn niềm tin của người dân trong cuộc chiến với Covid-19 bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Điều này không chỉ được thể hiện qua việc người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch mà còn đoàn kết, đồng lòng ủng hộ cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ “nhường cơm sẻ áo” để không ai bị bỏ lại phía sau.
Có thể nói gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ ra đời chưa có trong tiền lệ, được xem như là phao cứu sinh đối với người gặp khó khăn do dịch Covid-19 và là minh chứng sống động nhất cho một chính sách vì dân. Thế nhưng, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ ấy đến với người thuộc diện hỗ trợ như thế nào, đó không phải là chuyện đơn giản.
Covid-19 là một sát thủ vô hình gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thế giới. Với hơn 4 triệu người nhiễm bệnh, hơn 300 ngàn người đã thiệt mạng, cho đến lúc này, dịch bệnh đã kéo theo những hệ luỵ thê thảm cho nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng tỷ người, nhất là những người nghèo khó, yếu thế trong xã hội.
Ở Việt Nam, đối tượng thuộc diện nhận hỗ trợ của gói an sinh khoảng 20 triệu người. Một con số rất lớn và vì vậy việc lập danh sách, phân loại đối tượng vô cùng phức tạp. Việc chi trả cho nhóm đối tượng này đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bàn thảo kỹ lưỡng và để giám sát việc chi trả, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã vào cuộc.
63 tỉnh, thành trên cả nước hiện đang căng mình với công tác rà soát, lập danh sách, chi trả hỗ trợ cũng như lên phương án đề xuất với Chính phủ. Rất nhiều địa phương gặp khó chưa thể cùng một lúc chi trả hỗ trợ 7 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42, mà chia ra theo đợt và ưu tiên chi trả trước một số nhóm. Cũng có nhiều địa phương thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ trước mắt đành phải chờ hỗ trợ từ Trung ương.
Đây không phải là chuyện dễ dàng. Làm sao đảm bảo công bằng, phải gạt ra những trường hợp không thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng vẫn có tên trong danh sách? Làm sao để loại bỏ những hiện tượng tiêu cực như tạo điều kiện cho gia đình, người thân được hưởng chính sách?
3. Công khai, minh bạch là chìa khóa của sự công bằng - đó là chân lý. Nhưng cái khó của việc này, như câu chuyện “chia thịt hổ” vốn không chỉ nằm ở việc lập danh sách, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng nhận hỗ trợ mà còn phải đối mặt với những hành xử thiếu tử tế, đục nước béo cò, khiến chuyện này đã khó càng khó hơn, buộc những người thực hiện phải cực kỳ thận trọng trong triển khai ngay từ khâu rà soát lập danh sách.
Bài học “chia thịt hổ” để không xảy ra tranh giành thiệt hơn, đảm bảo sự công bằng của vua Trần Nhân Tông là gợi ý cho con trai lấy tư tưởng “Lục hòa” trong giáo lý của đạo Phật mà giáo hóa nhân tâm.
“Lục hòa” là 6 nguyên tắc thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống.
Hòa ở đây với mục đích cao đẹp, lợi ích cho mình và người khác, chứ không phải thụ động nhu nhược, cũng không phải dùng thủ đoạn để âm thầm giành phần hơn về mình.
Đó là: Giới hòa đồng tu (hòa đồng trên nguyên tắc kỷ luật); Thân hòa đồng trụ (hòa đồng trên nguyên tắc hành động); Khẩu hòa vô tránh (hòa đồng trên nguyên tắc ngôn luận); Lợi hòa đồng quân (hòa đồng trên nguyên tắc quyền lợi); Ý hòa đồng duyệt (hòa đồng trên nguyên tắc ý chí); Kiến hòa đồng giải (hòa đồng trên nguyên tắc nhận thức).
Thực hành được 6 nguyên tắc này sẽ giúp cho con người sống có nhân cách, không bao giờ gây sự chia rẽ, đố kỵ, phân biệt để làm tổn hại cho nhau.
Bởi vậy bài học “chia thịt hổ” của vua Trần Nhân Tông vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Cuộc đời không có gì hoàn hảo, không có gì tuyệt đối. Một bông hoa đẹp trong mắt người này nhưng lại nhạt nhoà với người khác. Và có những thời điểm, như lúc này, đẹp hay không có lẽ không còn quan trọng. Quan trọng là nếu thiếu một chữ “hòa”, nếu không có “dĩ hoà vi quý, chín bỏ làm mười”, nếu con người không biết sống đoàn kết trong tình thân thương của cộng đồng thì đúng - sai sẽ không bao giờ có được lời giải thoả đáng.
Cho nên việc người dân đồng lòng làm đơn từ chối nhận hỗ trợ, trong đó kể cả có những người được cán bộ tự ý vận động từ chối nhận hỗ trợ, không thể nói đúng cũng chẳng thể nói sai vì bản chất sâu xa của việc này là sự đồng lòng, hoà hợp.
Sự hoà hợp được bắt nguồn mạch từ niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và MTTQ trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19, từ truyền thống vì đại nghĩa sẵn sàng nhường cơm sẻ áo trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử dân tộc và từ sự tử tế sâu thẳm bên trong mỗi con người Việt Nam.
Tử tế chính là mạch sống của tình người và nằm ngoài mọi sự toan tính, thiệt hơn. Chúng ta hãy đón nhận sự tử tế ấy như một làn gió tươi mát, chữa lành những vết thương trong tâm hồn để nhìn về phía trước, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.