Những tấm lòng cao cả

Hạnh Nguyên - Nguyễn Chung 13/05/2020 08:05

Thuộc nhóm đối tượng yếu thế, luôn cần sự chung tay hỗ trợ, thế nhưng đã có hàng ngàn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội vẫn sẵn sàng nhường suất hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 cho người khác. Đây là câu chuyện đẹp về tinh thần “tương thân tương ái”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” ở nhiều địa phương của Hà Tĩnh và Thanh Hóa.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá kiểm tra công tác rà soát đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ dịch Covid-19.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh Thanh Hoá kiểm tra công tác rà soát đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ dịch Covid-19.

Nhường cho người khó hơn mình

Khi triển khai chi trả tiền hỗ trợ theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-CP, ở vùng nông thôn xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dấy lên tinh thần tự nguyện viết đơn không nhận hỗ trợ tại khắp các thôn xóm. Nhiều người dân, từ hộ nghèo, cận nghèo đến hộ già cả hưởng chế độ bảo trợ xã hội…không ai bảo ai, tự tìm đến chính quyền xã để nhường suất hỗ trợ chính đáng của mình cho người khác. Họ từ chối bởi một lý do hết sức đơn giản nhưng chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả: “Có người còn khó khăn hơn mình”!

Vợ chồng cụ Nguyễn Hữu Long và Nguyễn Thị Cát (thôn Yên Lạc) là một điển hình của tinh thần nhân văn ấy. Cụ ông Nguyễn Hữu Long năm nay đã 91 tuổi, đang thăm khám ở bệnh viện. Còn cụ bà Nguyễn Thị Cát đã bước vào tuổi 86, bị tai biến, một chân bước được còn chân kia nhấc lên khó khăn. Nhưng, khi nghe tin được Chính phủ hỗ trợ 3 triệu đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai cụ bàn với nhau nên nhường suất hỗ trợ này cho người khác.

Khi được hỏi vì sao hai cụ lại từ chối gói hỗ trợ này, cụ Cát bình thản nói: “Nói từ chối là không phải mà nhường cho người khác khó khăn hơn mình thì đúng hơn. Vợ chồng tôi già cả nhưng hàng tháng đã có 570 nghìn tiền bảo trợ xã hội, con cái cũng hỗ trợ thêm nữa nên ông bà đủ ăn, đủ tiêu. Xã hội còn nhiều người khác khó khăn hơn nên chia cho họ để họ vơi bớt khó nhọc”.

Cụ Nguyễn Thị Cát: “Tôi nhường cho người khác khó khăn hơn mình”.
Cụ Nguyễn Thị Cát: “Tôi nhường cho người khác khó khăn hơn mình”.

Không chỉ hộ bảo trợ xã hội mà có nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc tự nguyện không nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Thuộc diện hộ cận nghèo, chồng mắc bệnh hiểm nghèo đã mất năm 2009, bản thân bà Thiểu Thị Tuyết (69 tuổi, thôn Quang Trung 1) thường xuyên đau ốm, bệnh tật triền miên nhưng bà vẫn sẵn sàng sẻ chia suất tiền của mình cho người khác. “750 nghìn đối với nông dân chúng tôi nói to thì cũng to thật, đủ ăn cả tháng nhưng nghĩ đi nghĩ lại mình vẫn có hơn 1 sào ruộng, có vườn để trồng rau, nuôi gà, trong khi có nhiều người nằm một chỗ, ốm đau không có tiền thuốc men. Nghĩ vậy tôi quyết định từ chối nhận tiền để bù thêm cho những đối tượng khó khăn hơn”- bà Tuyết nói.

Cẩm Lạc là xã thuần nông, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 924 đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 với tổng số tiền được phê duyệt đối với nhóm chính sách xã hội này là 972.375.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay, toàn xã đã có tới 17 hộ với 27 nhân khẩu tự nguyện không nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Trong đó có 2 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo, 1 hộ bảo trợ xã hội.

Những nghĩa cử cao đẹp

Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hoá đã thống kê, tổng số có 718.000 người được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên trong số đó, có nhiều nghìn người ở Thọ Xuân, Thạch Thành, TP Thanh Hoá… tự nguyện viết đơn xin từ chối nhận khoản hỗ trợ dịch Covid-19. Họ từ chối không phải vì chê ít, cũng không phải vì điều kiện khá giả mà vì họ tự thấy bản thân, gia đình đang còn có thể tự chủ động được nên mong muốn nhường cơm, sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Một trong số đó phải kể đến trường hợp của anh Lương Đức Vĩnh, trú tại số 2, Đặng Thai Mai, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Anh vốn là một thanh niên có tương lai xán lạn và ôm ấp nhiều hoài bão. Sau khi đi du học về nước, anh Vĩnh được tuyển dụng vào làm việc tại Ngân hàng Việt Nga ở Hà Nội. Thế nhưng “họa vô đơn chí”, năm 2012 anh bị tai biến. Tai nạn bất ngờ ập đến đã cướp đi tất cả. Mặc dù gia đình đã “vét đến những đồng cuối cùng” để chạy chữa nhưng anh vẫn bị liệt nửa người… Khó khăn cứ thế kéo đến bủa vây cuộc sống của gia đình anh. Để duy trì cuộc sống, các thành viên trong gia đình đều phải tìm việc để làm thêm, tính kế sinh nhai.

Dịch dã bùng phát, khó khăn càng thêm khó khăn đối với những gia đình 100% là lao động tự do như hộ anh Vĩnh. Anh Vĩnh xứng đáng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Thế nhưng sau khi tìm hiểu, anh Vĩnh đã chủ động, động viên bố, mẹ và các anh chị em khác trong gia đình, khắc phục khó khăn, làm đơn gửi UBND phường Ngọc Trạo tự nguyện rút khỏi danh sách hỗ trợ để nhường cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Lá đơn xin từ chối nhận hỗ trợ của anh Lương Đức Vĩnh.
Lá đơn xin từ chối nhận hỗ trợ của anh Lương Đức Vĩnh.

“Khoản tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng là rất hữu ích vào lúc này. Hoàn cảnh của gia đình tôi không nói anh cũng đã thấy. Tuy nhiên chưa đến mức không thể khắc phục nên tôi viết đơn xin được từ chối nhận hỗ trợ không phải vì chê ít hay tự ái mà mình muốn dành cho những mảnh đời khác còn gặp nhiều khó khăn hơn khi dịch bệnh đi qua”- anh Vĩnh chia sẻ.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Quách Thị Bích - trú tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành. Gia đình bà Bích thuộc diện đối tượng hộ nghèo lại sống đơn thân. Để sinh kế, bà Bích tích cực nuôi gà, trồng rau, đan rổ rá… dẫu chưa thoát khỏi cảnh nghèo nhưng công việc cũng đảm bảo nguồn thực phẩm và cuộc sống sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Khi cán bộ của thôn đến rà soát danh sách hộ nghèo được nhận hỗ trợ của Chính phủ, bà Bích đã nhất quyết từ chối nhận nguồn hỗ trợ này. Bởi bà cho rằng bản thân mình tuy tuổi đã cao, lại sống một mình nhưng vẫn có thể làm việc, sản xuất, tự lo được cho bản thân.

“Bà xin được gửi lại khoản hỗ trợ, để dành cho người khác còn khó khăn hơn gấp bội phần. Chứ bà tuy già rồi nhưng nhờ Trời còn sức khoẻ nên vẫn tự nuôi thân được”- bà Bích cười móm mém.

Dù rất khó khăn nhưng cụ bà Quách Thị Bích vẫn nhường phần hỗ trợ của mình cho người khác.
Dù rất khó khăn nhưng cụ bà Quách Thị Bích vẫn nhường phần hỗ trợ của mình cho người khác.

Tại tỉnh Thanh Hóa, những người dân từ chối nhận hỗ trợ như bà Quách Thị Bích không phải là hiếm. Bởi chỉ tính riêng ở huyện Thọ Xuân, đến nay đã có gần 2.000 trường hợp tự nguyện viết đơn xin không nhận hỗ trợ của Nhà nước. Đáng chú ý, những người này đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Số tiền hỗ trợ 1 khẩu 750 nghìn đồng/3 tháng không phải là nhỏ đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng trên hết những người dân này muốn được chung tay, góp sức cùng cả nước vượt qua đại dịch và muốn nhường phần hỗ trợ của mình cho những người khó khăn hơn…

Ông Nguyễn Huy Huấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thanh Hóa cho biết: Sau khi có chủ trương về việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, MTTQ TP đã xây dựng kế hoạch rà soát 3 nhóm đối tượng gồm: Người có công, lao động tự do, các đối tượng chính sách. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức thành viên của mình thành lập 4 đoàn giám sát. Các đoàn giám sát đều do lãnh đạo MTTQ TP làm trưởng đoàn, giám sát từ khâu lập và niêm yết danh sách ở khu dân cư, giám sát việc chi trả…

Việc nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh viết đơn xin được tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ của Chính phủ không chỉ thể hiện lòng tự trọng trong mỗi người khi xã hội gặp khó khăn, ở đó còn là tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia với nhau trong cộng động dân cư. Dù vậy, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng cần phải nhận thức đúng, đủ về tính chất của gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nếu vì thành tích hoặc vì mục đích nào đó vận động, bắt ép người dân không nhận hỗ trợ thì đó là việc làm hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương, chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tấm lòng cao cả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO