Những thành tựu từ sức dân

Nhã Phương 14/04/2016 09:10

Nếu ai có dịp về Đông Anh, Hà Nội những ngày này hẳn sẽ không khỏi bất ngờ bởi diện mạo đổi thay của những làng quê ven sông Hồng. Cảm nhận rõ nét nhất là những con đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi vươn đến từng ngõ xóm. Chủ trương xây dựng giao thông nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, huy động được sức mạnh của cộng đồng. 

Những thành tựu từ sức dân

Rau sạch được sản xuất tập trung tại xã Vân Trì.

Đúng vào dịp huyện Đông Anh đang được đề nghị công nhận huyện NTM, người dân xóm Mới, thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh cũng phấn khởi khánh thành con đường chạy qua xóm mình. Con đường rộng rãi, sạch đẹp làm thay đổi diện mạo của cả xóm.

Ông Nguyễn Viết Văn, xóm Mới cho biết: “Xóm Mới nằm ở rìa làng với hơn chục hộ gia đình cùng sinh sống. Chính quyền cần dành kinh phí cho những tuyến đường quan trọng đông người qua lại, nếu để dân đóng góp làm đường thì tốn kém. Đấy chính là cái khó của chúng tôi khiến lâu nay cứ phải đi trên con đường lầy lội. Khi Đông Anh xây dựng NTM, có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mọi người trong xóm đều nhất trí cao với chủ trương này”.

Sau mấy buổi họp bàn, xóm Mới thống nhất phân bổ mỗi hộ gia đình đóng góp hai triệu đồng cùng một số ngày công, còn nguyên vật liệu được chính quyền hỗ trợ. Chỉ sau một tuần thi công, người dân xóm Mới đã có được “con đường mơ ước” để đi. Không chỉ riêng xóm Mới, mà những ngày này, ở bất cứ thôn làng nào trên địa bàn huyện Đông Anh cũng râm ran chuyện kể về những con đường làm từ sức dân như thế.

Đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, nhiều người vẫn chưa hết hoài nghi về những thành quả trong xây dựng NTM tại xã Cổ Loa, trung tâm Kinh đô thời Việt cổ xưa kia. Chỉ tay về những con đường mới được làm từ sức dân, bà Nguyễn Thị Vân, trưởng thôn Sằn, xã Cổ Loa cho biết: Hơn một năm trước, con đường dẫn vào xóm nhỏ có 55 hộ dân này vẫn là đường đất gồ ghề, trời mưa là lầy lội bùn đất nhưng nay con đường dẫn vào làng đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp đi lại thuận lợi. Không chỉ ở thôn Sằn, các trục đường lớn và mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Đông Anh cơ bản đã được đầu tư chuẩn hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Kết quả đó có được là do từ năm 2010 đến nay, Đông Anh đã đầu tư gần 400 dự án với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng phục vụ nâng cấp hạ tầng giao thông.

Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Quốc Trung cho biết, sau khi phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được phát động, xã đã tích cực vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công lao động, ủng hộ vật chất để địa phương làm đường giao thông. Toàn xã có 118 hộ gia đình hiến trên 978m2 đất thổ cư và 3.240m2 đất nông nghiệp, đóng góp 17.198 ngày công và ủng hộ trên 7 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng NTM. Đó là kết quả mà xã Cổ Loa có được trong việc huy động sức dân cùng Nhà nước tham gia xây dựng NTM.

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thu nhập của người dân huyện Đông Anh cũng tăng lên trên 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1,24%. Nhờ có sự công khai, minh bạch trong các khoản thu, chi mà đến nay phong trào xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân. Đặc biệt, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế cho giá trị kinh tế cao. Nổi bật như vùng chuối tiêu hồng tại Kim Chung. Vùng trồng đào, quất cảnh Uy Nỗ, Tàm Xá, Tiên Dương... Vùng rau an toàn ở Vân Nội, Liên Hà, Vĩnh Ngọc... Vùng lúa nếp cái hoa vàng ở Thụy Lâm, Dục Tú.

Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, việc triển khai chương trình xây dựng NTM theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt và các quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn ngày càng hoàn thiện và hiện đại… đây là điều kiện rất thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế huyện, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ. Theo kế hoạch, năm 2016, Đông Anh sẽ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa hàng hóa tại 6 xã sau dồn điền đổi thửa, tiến tới nhân rộng ra địa bàn toàn huyện vào những năm tiếp theo. Cùng với hệ thống hạ tầng được đầu tư ngày một đồng bộ theo chương trình xây dựng NTM, những định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất cụ thể trên của huyện Đông Anh đã góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thành tựu từ sức dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO