Tạo sinh lực mới cho khối Đại đoàn kết

Vũ Mạnh Ảnh: Kỳ Anh 15/05/2019 18:42

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chiều ngày 15/5.

Tạo sinh lực mới cho khối Đại đoàn kết

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng sự tham gia của Ban Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học…

Phương thức hoạt động của Mặt trận phải đi vào lòng dân

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến tâm huyết góp ý vào tiêu đề báo cáo chính trị, chủ đề Đại hội, bố cục báo cáo chính trị và chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Tham gia 6 nhiệm kỳ Đại hội, GS TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường cho rằng, chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam với các hoạt động đầy trách nhiệm đã để lại những dấu ấn được Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Nhiều hoạt động của Mặt trận đã góp phần tạo đồng thuận, làm dịu đi những bức xúc trong xã hội.

Bày tỏ đồng tình với tiêu đề của Đại hội với chủ đề Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Phát triển, ông Nguyễn Ngọc Minh khẳng định, mục tiêu của Đại hội phải tạo được những cái mới, cần được thể hiện với các xu thế, tình hình mới trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp khó lường. Ngay trong tình hình nội tại của đất nước cần nhấn mạnh về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Quan trọng nhất, có lẽ làm sao để tạo được sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Và để thực hiện tốt vai trò Mặt trận là "liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện", ông Nguyễn Ngọc Minh cho rằng cần có tiếng nói và cách tiếp cận đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, tổ chức đặc thù, các cá nhân tiêu biểu đóng góp giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan trực tiếp đến đời sống người dân nảy sinh trong quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, Mặt trận phải thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân và tham gia thực hiện tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tạo sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân thông qua việc quan tâm, lắng nghe, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cấp cơ sở, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo nên động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước.

"Mặt trận cũng cần có nhiều hình thức, nội dung phong phú vận động tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong khu dân cư cũng như nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội", ông Nguyễn Ngọc Minh đề xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Mặt trận cần tiếp tục nghiên cứu các dự báo thay đổi của cơ cấu xã hội, các giai tầng phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển, hội nhập, từ đó sẽ có những ứng phó và đề xuất hợp lý với Đảng và Nhà nước.

Để đáp ứng được điều này, Mặt trận cần đưa ra những giải pháp trong sắp xếp nhận sự theo hương tinh gọn, hiệu quả và quan tâm tới nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

"Phương thức hoạt động của Mặt trận phải đi vào lòng dân, làm sao để Đảng nói dân tin, Mặt trận và đoàn thể vận động dân theo, Chính quyền làm Dân ủng hộ", ông Nguyễn Ngọc Minh nói.

Bày tỏ sự đồng tình với dự thảo báo cáo văn kiện, PGS TS Ngô Hữu Thảo, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Tôn giáo nhận định, dự thảo bảo cáo cần sung thêm những đánh giá sát hợp với tình hình tâm tư, nguyện vọng thật của người dân để có suy nghĩ là phải làm gì, có giải pháp ra sao.

"Đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng nêu rõ hai mặt. Nếu chúng ta thừa nhận xã hội Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt về lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế thì có nghĩa là tự trong lòng xã hội đã hình thành một cơ sở của rạn nứt, mất đoàn kết. Vậy phải phân tích rõ tình hình này và có giải pháp", ông Ngô Hữu Thảo đề xuất.

Từ quan điểm đó, PGS TS Ngô Hữu Thảo cho rằng, để tập hợp xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận phải quan tâm tới các hoạt động đảm bảo sự công bằng, bình đẳng xã hội trên cơ sở sự tương đồng lợi ích của các giai cấp, tầng lớp và các cộng đồng xã hội ở Việt Nam.

"Mọi hoạt động của Mặt trận phải hướng tới đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân", PGS TS Ngô Hữu Thảo khẳng định.

Tập hợp được lực lượng tinh hoa của dân tộc

Kỳ vọng vào một kỳ Đại hội đổi mới, GS TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề nghị, báo cáo chính trị cần nhấn mạnh tới sự thay đổi của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Phải làm rõ được sự thay đổi của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa sâu sắc hơn, toàn diện hơn, việc xây dựng nhà nước pháp quyền đã phát triển theo hướng mới, trình độ dân trí và dân chủ đại diện đã phát huy rõ hơn so với trước đây.

Đối với việc triển khai chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, phải nêu rõ được những chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó cần đề cập đến vai trò của các Hội đồng tư vấn, sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận.

Đồng quan điểm, GS TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, văn kiện Đại hội phải thể hiện sự thay đổi trong nhiệm kỳ mới để tạo nền tảng, khẳng định vị thế của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

“Mặt trận phải thể hiện vai trò tập hợp được lực lượng tinh hoa của dân tộc để thể hiện tiếng nói phản biện đối với các “quyết sách” của Quốc hội. Mặt trận cũng phải là địa chỉ luôn được nhân dân tin tưởng tìm tới”, ông Nguyễn Đăng Dung bày tỏ.

Theo GS TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm HĐTV về kinh tế, việc nhân dân mong đợi hiện nay chính là việc đánh giá về lòng tin và cách giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc xã hội, chính vì vậy, Mặt trận phải đưa ra tiếng nói đối với những vụ việc tham nhũng nổi cộm đang diễn ra, phải đánh giá được phản ứng của xã hội đối với các vấn đề liên quan tới giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội…

“Báo cáo chính trị phải thẳng thắn nhận diện, nói được tiếng nói của nhân dân đối với những vấn đề đang nổi lên trong xã hội hiện nay, từ đó xác định được các chương trình hành động của Mặt trận”, GS TS Trần Đình Thiên đề xuất.

Một trong những vấn đề mà GS TS Trần Đình Thiên lưu ý đó là cuộc cách mạng 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, do đó Mặt trận phải nhận diện đầy đủ để đề ra phương thức hoạt động mới thích ứng với tình hình hiện nay.

"Mạng xã hội đang là một công cụ, một sức mạnh mới, do đó cần tìm ra cách quản trị mới để huy động sức mạnh này. Mặt trận phải tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để nắm bắt được tình hình nhân dân, từ đó kịp thời báo cáo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra", GS TS Trần Đình Thiên gợi mở.

Quyết liệt hơn trong giám sát, phản biện xã hội

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là những ý kiến thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm đối với công tác Mặt trận và đối với sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp thu một cách đầy đủ, toàn diện để xây dựng báo cáo chính trị với những nét đổi mới, bứt phá trong nhiệm kỳ mới.

“Báo cáo chính trị phải ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ, tránh tình trạng chung chung và phải đưa ra được những vấn đề mới, tinh thần mới, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần thẳng thắn nhận diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó đề nhiệm vụ và cách thức giải quyết của Mặt trận đối với những vấn đề lớn của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, cần thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tình hình các giai cấp, tạo ra những diễn đàn để nhân dân trao đổi từ đó khẳng định rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Mặt trận các cấp trong nhiệm kỳ mới phải quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Các chương trình giám sát phải gắn liền với yêu cầu thực tế tại địa phương và phải đeo bám đến cùng từng vụ việc. Cần nắm chắc các vấn đề phát sinh từ cơ sở để tư vấn trực tiếp cho Đảng, Nhà nước...

Để làm được điều này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng đội ngũ cán bộ phải đảm bảo về năng lực, trình độ, có bản lĩnh trong triển khai nhiệm vụ, để Mặt trận thực sự là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sinh lực mới cho khối Đại đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO