Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

Quốc Trung 17/03/2017 09:00

Quyết tâm nói không với thực phẩm bẩn, sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Chính phủ và Chương trình phối hợp số 90/CTrPH của Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam về “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020”, Hậu Giang đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các kế hoạch, tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong khu dân cư, ra quân phát động phong trào toàn dân tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... được triển khai.

Lực lượng chức năng xử lý trường hợp nội tạng hôi thối ở chợ Vị Thanh- Hậu Giang.

Mạnh tay với thực phẩm bẩn

Ngày 7/1, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) Công an tỉnh Hậu Giang (PC49) đã bắt quả tang lái xe Lê Văn Kết sinh năm 1991 ngụ ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long điều khiển ô tô biển số 64C-033.12, vận chuyển 2.785kg tai, da trâu, bò đã bốc mùi hôi thối không có hoá đơn chứng từ, đem giao cho Nguyễn Văn Bé Tán 1.900kg; số còn lại giao cho Lê Bích Liên và Nguyễn Văn Hào cùng ở địa chỉ ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hoà, Phụng Hiệp, Hậu Giang. Trong khi kiểm tra tại nhà ông Nguyễn Văn Hào và bà Lê Thị Bích Liên, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 210 kg nội tạng không có hoá đơn chứng từ (gồm bao tử, ruột non của trâu, bò ) đã bốc mùi hôi thối và 2 thùng ô xy già. Lực lượng chức năng đã phạt tiền trên 15 triệu đồng các đối tượng.

Ngày 2/3, tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, lực lượng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Sản và Thủy sản, Sở NN&PTNT Hậu Giang đã phối hợp với một số đơn vị liên quan có mặt kịp thời kiểm tra và phát hiện 10kg sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong đó, có khoảng 5kg lòng và nội tạng của gia cầm đã biến đổi màu, có dấu hiệu hư hỏng. Số thực phẩm trên do tiểu thương Phạm Thanh Thúy, đang bán tại chợ Vị Thanh (TP Vị Thanh). Đoàn đã tiến hành lập biên bản, niêm phong và tịch thu 10kg nội tạng gia cầm nói trên xử lý theo quy định.

Mục tiêu mà Hậu Giang đề ra đến năm 2020, vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký; cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số HTX, DN sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Để thực hiện được điều này cả hệ thống chính trị Hậu Giang đã tổ chức ra quân vận động toàn xã hội, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nâng cao ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt trận tăng cường vai trò giám sát

Thực hiện Chương trình phối hợp số 90/CTrPH của Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam về “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020”, UBND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch số 111/KH về việc thực hiện công tác phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2017, đưa nội dung này vào thang điểm thi đua, đồng thời chọn điểm chỉ đạo toàn diện của tỉnh là Thị xã Ngã Bảy.

Giao trách nhiệm mỗi đơn vị cấp huyện chọn ít nhất 2 điểm chỉ đạo xây dựng mô hình điểm với mục tiêu 100% khu dân cư tổ chức tuyên truyền, vận động ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% số HTX, DN sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn; Tất cả các xã nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho biết: MTTQ các cấp cần phối hợp với các tổ chức thành viên ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó có trách nhiệm nâng cao chất lượng nông sản, hàng hóa, góp phần đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh. Kiên quyết không sản xuất, mua bán các loại nông sản, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh ATTP. Không làm ngơ khi biết người cùng địa phương nuôi trồng và mua bán các sản phẩm không an toàn. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải được MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục với “hình thức tập trung, nội dung thiết thực” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bà Loan cho biết thêm: “Ngoài ra, Mặt trận còn phát huy vai trò giám sát của cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm tại KDC; giám sát Mặt trận các đoàn thể trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; giám sát chính quyền về công tác triển khai, thực hiện cũng như xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn…

Ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Năm 2017, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai mạnh công tác đảm bảo ATTP. Trong đó, tỉnh sẽ huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của MTTQ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức về ATTP của các thành phần trong xã hội. Tất cả đều hướng đến việc thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu dùng, cũng như kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO