Miền Bắc rét đậm

K. Vy 30/12/2020 07:00

Đêm 29/12, miền Bắc chính thức bước vào đợt rét đậm, rét hại thứ 2 trong mùa Đông năm nay. Các chuyên gia cảnh báo, ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại này rất lớn, người dân cần lưu ý về tác động của đợt lạnh tới sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ...

Tối 29/12, Hà Nội trở lạnh. Ảnh Quang Vinh.

Ngay trước khi không khí lạnh tràn về, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã gửi công điện tới nhiều địa phương yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh và triển khai các biện pháp để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong năm

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) cho biết: Từ đêm 29/12 trở đi Bắc Bộ cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ bước vào một đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng và thời gian của đợt rét này sẽ kéo dài trong khoảng 3-4 ngày. Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ 2 của mùa Đông năm nay, với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ, vùng núi 5-8 độ, vùng núi cao dưới 3 độ, có nơi dưới 0 độ C.

Các chuyên gia khí tượng cũng khuyến cáo: Trong giai đoạn xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe, bằng cách mặc ấm và lưu ý không nên sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng kín, tai nạn kiểu này gần như năm nào cũng xuất hiện và có thiệt hại về người. Còn với gia súc, gia cầm, cần lên phương án để giữ ấm, nhất là với gia súc, gia cầm chăn thả ở các vùng núi cao phía Bắc.

Ở miền Trung, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTVQG, trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch sẽ có mưa rào và dông trên diện rộng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng có khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng rét đậm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những ngày Tết Dương lịch cũng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu gió Đông nên có thể xuất hiện những cơn mưa dông trái mùa. So với đợt rét kỷ lục năm 2016, đợt rét sắp tràn về đúng dịp nghỉ Tết Dương lịch 2021 là đợt rét đậm rét hại có cường độ mạnh nhất kể từ đầu mùa. So với 4 năm gần đây, đợt rét này hiếm gặp.

Tuy đây là đợt rét đậm, rét hại thứ 2 trong năm 2020, nhưng theo Trung tâm Dự báo KTTVQG, những ngày tới sẽ không có khả năng xuất hiện tuyết.

Chủ động phòng nguy cơ đột quỵ

Ở đợt không khí lạnh lần thứ nhất trong năm, khi nhiệt độ giảm sâu, số lượng người già và trẻ em nhập viện tăng mạnh. Đặc biệt ở người cao tuổi sẵn bệnh lý nền (cao huyết áp, tiểu đường…), không ít ca đã tử vong trước khi được cấp cứu.

Lý giải về tình trạng đột quỵ, PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam- BV Bạch Mai cho biết: Tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát tình trạng này. Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.

Trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở những người cao tuổi do lưu lượng máu qua não ở người già giảm rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Không chỉ người già mà những ai có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công. Do vậy, cần đặc biệt lưu ý trong thời điểm thời tiết lạnh bất thường như hiện nay.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, tại Trung tâm Đột quỵ- BV Bạch Mai thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ tăng 25% so với thời gian trước, trung bình tiếp nhận 50 ca/ngày. Đặc biệt, tỉ lệ các ca đột quỵ nặng chiếm phần lớn. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức, liệt nửa người, mất chức năng ngôn ngữ. Nguyên nhân các bệnh nhân bị đột quỵ chủ yếu là do thời tiết quá lạnh.

Cũng theo PGS Cường, tỉ lệ đột quỵ mùa lạnh thường cao hơn. Các nguy cơ bệnh lý tim mạch kèm theo cũng khó kiểm soát hơn. Do đó người cao tuổi nên tránh tiếp xúc không khí lạnh đột ngột. Ngoài ra, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đột quỵ thường nhập viện muộn, khiến “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ bị chậm trễ, làm cho bệnh nặng hơn, khả năng hồi phục khó khăn hơn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bên cạnh việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, để phòng tránh đột quỵ khi thời tiết chuyển lạnh, mọi người cần mặc đủ ấm ngay cả khi ở trong nhà. Nơi ở phải đảm bảo ấm áp, tránh bị gió lùa. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tập thể dục trong thời tiết giá lạnh, nhất là vào sáng sớm.

Theo các chuyên gia y tế: Trời chuyển lạnh có nhiều mối nguy hiểm “tấn công” trẻ, gây bệnh cúm mùa, viêm tiểu phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy... Trẻ dễ giảm thân nhiệt đột ngột, chân tay tê cóng, hết sức nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, cần đảm bảo đủ ấm cho trẻ trước khi đưa các em đi học vào đầu giờ sáng.

Cùng với đợt rét đậm rét hại lần 2, tình trạng ô nhiễm không khí tại phía Bắc những ngày cuối năm cũng ở mức báo động. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), quy luật diễn biến chất lượng không khí hàng năm tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa Đông. Qua theo dõi kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc không khí tự động cho thấy, bắt đầu từ nửa cuối tháng 10 trở về đây, chất lượng không khí có diễn biến xấu đi so với những tháng trước đó. Đặc biệt, trong đầu tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện vài đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Tổng cục hoặc qua ứng dụng VNAir trên điện thoại di động để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động như hạn chế ra ngoài vào buổi sáng sớm và buổi đêm, đóng các cửa chính, cửa sổ vào những thời điểm ô nhiễm tăng cao và đeo khẩu trang chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn khi ra đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Bắc rét đậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO