Miếng bánh ngon của bán lẻ nội

Minh Phương 09/09/2020 07:31

Ngành bán lẻ đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ nội và ngoại. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường nông thôn với 70% dân số, nhu cầu mua sắm cao… chính là mảnh đất màu mỡ để các DN bán lẻ nội bứt phá.

Thị trường nông thông là thế mạnh của DN bán lẻ nội. Ảnh: Quang Vinh.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), sau khi đổ bộ vào Việt Nam, những “ông lớn” bán lẻ ngoại như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart... tiếp tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường bán lẻ. Điều này cho thấy cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, khốc liệt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với 70% dân số với nhu cầu mua sắm ngày càng cao - thị trường nông thôn chính là mảnh đất màu mỡ để các DN bán lẻ nội khai thác. Không bỏ lỡ cơ hội này, khoảng 5 năm trở lại đây, Tập đoàn VinGroup đã mở rộng mạnh mẽ thị phần với hàng ngàn cửa hàng tiện lợi phân bổ nhiều địa phương trên cả nước.

Tương tự, Saigon Co.op cũng đang đặt chân lên khắp 63 tỉnh, thành và cũng ngót nghét có tới 100 siêu thị lớn. Còn theo chia sẻ của đại diện siêu thị VinMart, nhà bán lẻ này hiện đang kết nối với 1.200 nhà cung ứng nên bảo đảm đầy đủ hàng hóa cho 134 siêu thị VinMart và 2.900 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với đặc điểm cơ cấu dân số đông, thu nhập người dân ngày càng cao, nhu cầu mua sắm gia tăng… là những yếu tố hấp dẫn của thị trường nông thôn. Bởi vậy, nếu chú trọng khai thác trường này, các DN bán lẻ nội sẽ yên tâm không bị mất thị phần bởi, lợi thế của chúng ta hơn người nước ngoài ở chỗ hiểu tâm lý, thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn. “Khai thác được những điểm mạnh của mình, DN bán lẻ nội hoàn toàn không lo chuyện bị các DN ngoại lấn át” – chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú nhận định.

Nắm bắt thị trường tiềm năng

Mặc dù được coi là thị trường giàu tiềm năng, là “miếng bánh ngon” với những thế mạnh “bản xứ” dành cho các DN bán lẻ nội, song nhiều ý kiến cho rằng, thị trường nông thôn vẫn còn khá nhiều rào cản khiến không ít DN trong ngành cảm thấy e ngại khi nghĩ đến việc đầu tư vào thị trường này. Đó là điểm nghẽn về điều kiện địa hình, hạ tầng không thuận lợi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn… khiến cho việc đưa hàng về khu vực nông thôn, miền núi không dễ dàng. Có lẽ đó là lý do vì sao mới có số ít DN bán lẻ nội quan tâm đến thị trường này. Nói như bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), phải những DN thật sự vì cộng đồng mới mặn mà với thị trường này.

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 40-45% với tổng doanh thu dự kiến là 180 tỷ USD, nhưng đồng thời bán lẻ truyền thống cũng vẫn giữ sức sống và văn hóa phát triển riêng của nó. Và xu hướng các nhà bán lẻ sẽ đi về nông thôn, một thị trường vô cùng tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức. Đặc biệt, thời gian tới khi thị trường ở khu vực đô thị đang dần trở nên bão hòa.

Giới chuyên gia ngành bán lẻ cũng nêu quan điểm, để tiếp cận thị trường nông thôn, DN có thể lựa chọn những mặt hàng thiết yếu như nước mắm, mì chính, dầu ăn, dầu gội đầu, nước rửa bát, bột giặt... những sản phẩm gắn với nhu cầu thiết thực của đời sống người dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, các DN cũng cần quan tâm phát triển những dòng sản phẩm mà thị trường nông thôn chưa có, như các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh. Song song với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người dân nông thôn là giá cả thật sự cạnh tranh, bao bì mẫu mã bắt mắt…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miếng bánh ngon của bán lẻ nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO