Gắn kết lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng ép giá, chất lượng hàng hoá chưa cao... là những yếu tố kéo giảm sức cạnh tranh của ngành bán lẻ nước nhà. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, nếu không cải thiện được những nhược điểm trên, ngành bán lẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn khi bước vào sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế.
Bán lẻ ngoại ồ ạt xâm lấn
Được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực châu Á, Việt Nam đang trở thành “bến đỗ” của ngày càng nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại có thương hiệu mạnh, như: Auchan, Family Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K…
Tất nhiên, không phải đến bây giờ, chúng ta mới chứng kiến sự xâm nhập của các DN bán lẻ ngoại. Trước đó, dư luận đã chứng kiến sự thâm nhập ồ ạt của các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, kèm theo đó là hàng loạt các vụ mua bán sáp nhập giữa các DN bán lẻ ngoại và bán lẻ nội diễn ra khá sôi động ở trong nước.
Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp được thực thi dự báo sẽ tiếp tục tạo nên những thay đổi mạnh mẽ đối với thị trường bán lẻ nước nhà. Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, những thay đổi mà EVFTA mang lại có những mặt tích cực và cả những mặt hạn chế.
Theo đó, tích cực là ở chỗ, sự thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại sẽ mang lại cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn cho các nhà bán lẻ nội. Bên cạnh đó, công nghệ quản lý tiên tiến trong các hoạt động thương mại từ các nước EU cũng sẽ lan tỏa sang khu vực DN trong nước. Cơ sở hạ tầng thương mại sẽ được hiện đại hóa, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.
Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ, EVFTA sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các DN phân phối trong nước với các DN phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU khi năng lực của chúng ta còn đang hạn chế hơn phía bạn rất nhiều. Ngoài ra, những thách thức mà chúng ta gặp phải không thể không nhắc đến là an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điểm nghẽn lâu nay của các DN nội khi mà sản xuất của chúng ta vẫn đang chủ yếu làm nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối…
Thẳng thắn nhìn nhận về ngành bán lẻ nước nhà, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội cho rằng, thiếu sự liên kết giữa các DN bán lẻ và các DN phân phối, hàng hóa chưa đạt chuẩn, mẫu mã không bắt mắt, giá cao… là thực trạng của các nhà bán lẻ nội hiện nay. “Và đây sẽ là rào cản lớn ngáng chân các DN bán lẻ nội khi EVFTA được thực thi” – ông Phú nói.
“Đứng yên” là chết
Ở một khía cạnh khác, chủ một DN bán lẻ thừa nhận, yếu về vốn, chưa thích ứng được với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin… cũng là những lý do khiến cho các DN bán lẻ nội cảm thấy “hụt hơi” khi cánh cửa hội nhập đang mở ngày một lớn dần. “Việc chuyển đổi và số hóa các hệ thống thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản trị khách hàng là yêu cầu cấp thiết đối với các DN hiện nay song không phải DN bán lẻ nào cũng hiện thực hóa được yêu cầu đó. Nhiều DN vẫn đang ở bước “bắt nhịp” – vị này cho hay.
Vận động hay đứng yên để chứng kiến sự thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại khi các FTA thế hệ mới được thực thi? Câu hỏi này dường như là quá muộn đối với các nhà bán lẻ nội trong bối cảnh EVFTA đã ở sát sườn. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thời gian để có thể từng bước bứt phá nếu chúng ta nỗ lực vận động” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh khi cho rằng, những thách thức mà các FTA thế hệ mới đặt ra cũng chính là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình từ đó nỗ lực đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn.
“Ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình trước hết. Đổi mới một cách toàn diện, chắc chắn khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của mình” – ông Phú nói và lưu ý, chất lượng giá cả hàng hóa kinh doanh phải là yếu tố đầu tiên mỗi DN bán lẻ cần nâng lên. Bên cạnh đó, việc đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu… cũng là những yếu tố quan trọng để nâng tầm cho các nhà bán lẻ nội.