Minh bạch hoạt động của cơ quan công quyền

H.Vũ (thực hiện) 25/04/2022 06:20

Liên tiếp các vụ sai phạm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thời gian qua đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Theo PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, việc công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước không chỉ giúp đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng mà còn là biện pháp phản bác đanh thép đối với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

PGS.TS Lê Văn Cương

Làm rõ trách nhiệm cá nhân

PV:Thưa ông, cá nhân ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua?

PGS.TS Lê Văn Cương: Ở đây có hai phạm trù gắn với nhau gồm: “phòng” tham nhũng và “chống” tham nhũng. Từ nhiệm kỳ Đại hội XII cho đến nay, chống tham nhũng làm rất tốt. Đã có 130 cán bộ cao cấp bị xử lý. Ngay trong năm đầu của Đại hội XIII của Đảng, tinh thần chống tham nhũng vẫn rất quyết liệt, dù gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song chống tham nhũng vẫn được đẩy mạnh liên tục, không ngừng, không nghỉ. Tuy nhiên, việc phòng vẫn chưa được tốt. Do đó cần tổng kết, rà soát lại hệ thống pháp luật để sửa luật, làm rõ trách nhiệm cá nhân. Nhất là các luật có liên quan đến công tác cán bộ, công chức, viên chức, hoạt động của Chính phủ, và chính quyền địa phương. Chúng ta phải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung làm rõ trách nhiệm cá nhân. Như thế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ phát huy tính hiệu quả cao hơn.

Vừa rồi, những hành vi, sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng đã được xử lý, song lại có một số trang thông tin, xuyên tạc bản chất vụ việc. Liệu có kẽ hở gì về vấn đề pháp luật khiến cho những hành vi xuyên tác, chống phá vẫn tiếp diễn, thưa ông?

- Những vụ việc lớn như vụ Công ty Việt Á, vụ FLC, hay vụ Tân Hoàng Minh được cơ quan công an làm rất thận trọng. Đây đều là những vụ án lớn, liên quan đến tài sản của nhà nước. Các cơ quan Tư pháp như: Công an, Kiểm sát, Tòa án cân nhắc rất kỹ, hoàn toàn không có sơ hở. Cho nên rất chắc chắn về mặt pháp luật. Đó không chỉ là những vụ án lớn mà còn liên quan rất nhiều đến các quan chức, cán bộ trong bộ máy. Việc bắt, khởi tố là đúng quy định của pháp luật.

Chúng ta đẩy mạnh chống tham nhũng thì các thế lực thù địch chống đối bôi nhọ. Bởi vậy, trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời.

Lắng nghe ý dân

Có lẽ, ngoài việc đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu, độc thì trong chống diễn biến hòa bình không gì bằng “thế trận nhân dân” thưa ông?

- Đúng vậy! Điều quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ. Trong vấn đề này, truyền thông và báo chí chính thống phải là kênh phản biện mạnh mẽ. Ban Tuyên giáo Trung ương cần có sự chỉ đạo sát sao đối với các cơ quan thông tấn báo chí, mở các chuyên mục đấu tranh phản bác lại. Báo chí của ta là báo chí phục vụ cách mạng và nhân dân. Cho nên thông tin chính thống phải nhanh chóng và kịp thời.

Trước các vấn đề nóng của xã hội, các cơ quan báo chí vào cuộc, thông tin rõ ràng, rộng rãi đến nhân dân.

Khi xuất hiện thông tin sai trái trên mạng thì các cơ quan chức năng cần có phản ứng nhanh. Chậm trễ, thông tin nửa vời sẽ càng tạo nên sự hoài nghi. Nếu như đêm qua trên mạng có nội dung này thì sáng hôm sau phải có thông tin phản ánh ngay. Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ trong việc chủ động trước thông tin sai trái.

Thứ hai, hoạt động của các cơ quan công quyền phải công khai, minh bạch. Công khai minh bạch là yếu tố quan trọng nhất mang tính phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Thứ ba, phải tranh thủ lắng nghe ý kiến của người dân. Hiến pháp và điều lệ Đảng đã nói rồi, phải lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Lúc đó chắc chắn tình hình sẽ khác.

Công khai minh bạch không chỉ góp phần chống tham nhũng mà còn phản bác lại thông tin sai trái của các thế lực thù địch, thưa ông?

- Đúng vậy. Một triết lý của cuộc đời này mà tôi đã từng đề cập nhiều lần. Sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền sẽ ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực. Ngay cả trong công tác cán bộ cũng vậy, cần tuyển chọn một cách công khai. Tôi lấy ví dụ, một tỉnh có 2 triệu người thì phải có hàng chục người giỏi chứ đâu phải có mỗi một người giỏi để bầu chọn.

Quan trọng hơn, việc công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ góp phần phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Vì ta đã công khai thì các thế lực không thể lợi dụng để nói điều sai trái. Vì như vậy không khác nào “họ tự lấy tay vả vào mặt mình”. Đó là đòn để phản bác các luận điệu bôi xấu chế độ một cách hiệu quả nhất.

Và qua sự công khai minh bạch của các cơ quan nhà nước, người dân sẽ tự ý thức được, tự xây dựng được “sức đề kháng” để chống lại các luận điệu nói xấu chế độ, nói xấu Đảng, Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch hoạt động của cơ quan công quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO