Minh bạch thông tin đại học

Thu Hương 23/08/2017 07:20

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của giáo dục đại học thời gian qua, trong đó có việc thiếu minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức, chưa được xem là cam kết của trường đối với người học.

Công khai, minh bạch thông tin từ các trường đại học là yêu cầu của xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, đến năm 2018, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ điểm sàn ĐH, CĐ (trừ các trường khối ngành sư phạm), người học biết dựa vào đâu để lựa chọn trường ĐH nếu không phải là những thông tin về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học phí, chuẩn đầu ra và tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường có việc làm? Yêu cầu công khai, minh bạch những thông tin này hơn lúc nào hết đang được đặt ra rốt ráo.

Những con số “đẹp”

Là một trong số 23 trường ĐH tự chủ của Việt Nam tính đến thời điểm này, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trên website chính thức của nhà trường.

Theo số liệu khảo sát của trường thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2017, tỷ lệ sinh viên của có việc làm là 91%, 4% học tiếp và 5% chưa có việc làm.

Mức lương trung bình đạt 8,2 triệu đồng/tháng. Phổ lương từ 3 triệu đồng/tháng đến 60 triệu đồng/tháng. Công việc hiện tại theo ngành được đào tạo: 91% được làm đúng ngành, còn lại 9% làm trái ngành.

Đối với Học viện Tài chính, khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ tháng 6 đến tháng 10-2016 cho thấy có 96,5% có việc làm, chỉ 3,5% chưa có việc làm (hầu hết trong số này đang tiếp tục học nâng cao). Mức thu nhập bình quân/tháng của sinh viên đa số ở mức trên 6 triệu đồng/tháng.

Cũng đạt mức 95,5% sinh viên có việc làm, trường ĐH Dược Hà Nội công bố số liệu của khóa sinh viên chính quy, trình độ ĐH tốt nghiệp năm 2015. Đối với CĐ Dược có 97,45% sinh viên có việc làm.

Trong khi đó, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, không chỉ căn cứ vào yêu cầu của Bộ GD&ĐT mà việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm đã được nhà trường thực hiện nhiều năm qua.

Theo đó, năm 2014, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm vào thời điểm nhận bằng tốt nghiệp là 30%; nhưng đã tăng lên 50% vào năm 2015 và 60% khi khảo sát vào năm 2016.

Bắt đầu từ năm 2016, trường thực hiện khảo sát sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả, với khoảng 50% sinh viên có ý kiến phản hồi trên 90% có việc làm, tính cả số học sinh tiếp tục học lên cao hơn.

Bộ Giáo dục-Đào tạo yêu cầu các trường báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp Ảnh: TL.

Minh bạch vì lợi ích của chính nhà trường

Theo TS Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề và quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, việc khảo sát sau đó công khai số liệu trên website của nhà trường không chỉ giúp người học có cái nhìn chính xác về ngôi trường mình định theo học, cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Bản thân trường cũng nhìn nhận rõ hơn nhu cầu của thị trường để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thị trường, tránh tình trạng tuyển sinh tràn lan để sinh viên sau đó thất nghiệp.

Đáng mừng là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của nhà trường tăng qua từng năm, trong đó có những em ngay từ khi chưa tốt nghiệp đã được doanh nghiệp tiếp nhận qua quá trình thực tập, thử việc đạt yêu cầu.

Chung quan điểm này, PGS TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, khi các trường thực hiện tự chủ ĐH, vấn đề học phí tăng cao là tất yếu. Nguồn tuyển sinh không thiếu nhưng ĐH Bách khoa Hà Nội muốn chất lượng đầu vào không giảm đi, để những em giỏi vẫn vào học chứ không phải vì học phí mà không vào được ĐH Bách khoa Hà Nội.

Để làm được điều đó, rõ ràng việc công khai minh bạch từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo đến chuẩn đầu ra của từng ngành, tỷ lệ việc làm sinh viên sau khi ra trường là cần thiết để “thuyết phục” thí sinh và xã hội lựa chọn nhà trường.

Không phải cứ công bố một “tỷ lệ đẹp”, cao ngất ngưởng là người học đã có thể tin tưởng bởi vì hiện nay, bên cạnh việc giám sát của Bộ GD&ĐT, người học có thể có nhiều kênh tham khảo khác nhau, trong đó có cả những người thân quen, những cựu sinh viên đi trước. Khi nhà trường chứng minh được sinh viên mình ra trường có việc làm, có mức lương bao nhiêu… thì chắc chắn, dù học phí tăng cũng không ảnh hưởng quá lớn đến việc lựa chọn trường ĐH của người học vì đây là một sự đầu tư cho tương lai xứng đáng.

Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia giáo dục cho rằng, khi nhiều trường đều công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm trên 90% thì rất khó để những trường khác đưa ra con số thực tế của trường mình do sự cạnh tranh gắt gao trong mỗi mùa tuyển sinh.

Ngay cả các trường ĐH top đầu cũng phải xét tuyển bổ sung mới đủ chỉ tiêu thì những trường top giữa, top dưới làm sao lại tự đánh tụt mình xuống? Còn câu chuyện chuẩn đầu ra, các trường “cào bằng” như nhau đã là thực tế lâu nay.

Rõ nhất trong việc công nhận chuẩn đầu ra của các trường hiện nay là trình độ ngoại ngữ phải đạt ở mức nào, còn các chuẩn khác không dễ đánh giá.

Bản thân người học và xã hội chưa chú ý lắm đến tiêu chí chuẩn đầu ra mà quan tâm nhiều hơn đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, trong khi việc công nhận tốt nghiệp của nhiều trường ĐH hiện nay quá dễ dàng khiến đã vào ĐH là sau này đều trở thành cử nhân, kỹ sư khiến tình trạng thất nghiệp tràn lan.

Cần cơ quan kiểm tra độc lập

Tổng kết năm 2016-2017, cả nước có 213 trường ĐH, 33 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá và nộp báo cáo về Bộ GD&ĐT theo quy định; có 53 trường đã được đánh giá ngoài (chiếm 22,6% trong tổng số các trường ĐH), trong đó có 30 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và 2 trường ĐH chưa đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng...

Đối với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, đến nay, cả nước có 93 chương trình đào tạo ĐH đã được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước và nước ngoài.

Theo lộ trình kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục Bộ GD&ĐT công bố, đến hết năm 2017, sẽ có 35% số cơ sở giáo dục ĐH và 10% số trường CĐ sư phạm được kiểm định.

Mục tiêu đến năm 2020 là đánh giá ngoài xong vòng 1 đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế.

Bộ GD&ĐT cũng kỳ vọng sau 3 năm nữa sẽ thực hiện tốt và đi vào nền nếp việc công nhận/không công nhận đạt tiêu chuẩn và công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở đào tạo cho xã hội biết và giám sát.

Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện 3 công khai về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thu chi tài chính. Trên website của mình, các trường đều công bố 3 chỉ số này.

Tuy nhiên, ngay từ phía các trường cũng nhìn nhận thực trạng “3 công khai trên website của các trường là rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy” - GS. TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên từng bày tỏ trong một hội nghị về giáo dục ĐH hồi đầu năm 2017.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ luôn khẳng định quan điểm nhất quán là các trường phải công khai, dù đúng hay chưa đúng (vì còn phải kiểm định chất lượng mới biết). Bộ sẽ có cơ quan kiểm tra độc lập những số liệu thống kê của các trường. Trường nào không công khai đầy đủ thông tin sẽ không được thông báo tuyển sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thông tin đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO