Minh bạch tiền từ thiện

Tinh Anh 08/09/2021 10:30

Trao đổi với báo chí mới đây xung quanh các vụ việc lình xình liên quan đến một số nghệ sĩ làm từ thiện, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc minh bạch tiền quyên góp tài sản không khó. Ông Xô cũng khẳng định, nếu có đơn tố cáo, hoặc thấy dấu hiệu phạm tội, lực lượng công an sẽ vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm.

Thực ra, xét về mặt lý thuyết thì việc minh bạch số tiền quyên góp từ thiện đúng là không hề khó, bởi số tiền đi và đến tài khoản ngân hàng của người làm từ thiện là con số thật chứ không phải ảo. Song, vấn đề ở chỗ ai mới có quyền yêu cầu người làm từ thiện buộc phải công khai số tiền quyên góp nhận được và số tiền chi ra vào những mục đích gì.

Nếu chiếu theo quy định của pháp luật, không kể các cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ giám sát việc làm từ thiện của cá nhân, tổ chức, thì mọi người dân đều có quyền được biết người làm từ thiện có khuất tất hay không. Song, nếu người làm từ thiện không thích thì chẳng có người dân nào có thể yêu cầu họ buộc phải công khai các con số.

Nếu ai đó “có nghiệp vụ” “khui” ra được các bản sao kê ngân hàng của cá nhân, tổ chức làm từ thiện sẽ lập tức bị xử lý vì vi phạm bí mật tín dụng, nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, việc có công khai, minh bạch thu chi tiền tài trợ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của người làm từ thiện.

Do vậy, hiển nhiên nếu cá nhân, tổ chức từ thiện chỉ cần không thích thì chẳng việc gì họ phải “trưng” các bản kê thu chi tiền làm từ thiện.

Đó là lý do mà mấy ngày qua, mạng xã hội “dậy sóng” vì câu chuyện làm từ thiện của một số nghệ sĩ nổi tiếng. Người ta tự động chia làm “hai phe”, tranh cãi kịch liệt để cáo buộc và bảo vệ các nghệ sĩ trong việc làm từ thiện. Một bên cho rằng một số nghệ sĩ có khuất tất, gian dối trục lợi, bên còn lại ra sức bênh vực, khẳng định không hề có chuyện đó.

Câu chuyện tranh cãi trên mạng xã hội được một số phóng viên đưa ra hỏi quan điểm của Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định nếu có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra.

Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng nói rằng, nếu cá nhân, tổ chức có chứng cứ, tài liệu về việc khuất tất trong công tác từ thiện có thể làm đơn tố cáo (hoặc tố giác tội phạm) thì cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xử lý. Ở đây lại phát sinh vấn đề là liệu có ai đó rảnh đến mức tự đưa mình vào vòng xoáy pháp lý khi bản thân chẳng có liên quan gì hay không?

Dĩ nhiên, sống là phải có niềm tin, rằng hầu hết những cá nhân, tổ chức làm từ thiện đều xuất phát từ lòng nhân hậu, tình thương bao la với đồng bào, không nên nghi ngờ có sự khuất tất. Song, thực tế cũng chứng minh rằng, có khá nhiều kẻ lợi dụng lòng tốt của xã hội, mượn danh làm từ thiện để trục lợi cá nhân, vơ vét cho đầy túi tham của bản thân.

Vì thế, để không hàm oan người tốt, không lọt những kẻ cơ hội đội lốt từ thiện đút túi riêng, lực lượng công an từ Trung ương tới các địa phương cần chủ động giám sát, lập tức vào cuộc điều tra khi có dư luận nghi ngờ sự khuất tất, ăn chặn tiền từ thiện. Có như vậy mới đảm bảo được tính minh bạch trong công tác từ thiện như kỳ vọng của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tiền từ thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO