Minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai

Tuấn Việt 12/08/2016 10:15

Người dân cần thêm nữa sự minh bạch và những giải quyết rốt ráo liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, lĩnh vực luôn nhạy cảm và “nóng” ở bất cứ thời điểm nào.

Minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai

Một số địa phương còn để tồn tại nhiều vướng mắc về đất đai.
(Ảnh: Phạm Việt Thanh).

Ở đây, trách nhiệm thuộc chính quyền hay do những lỗ hổng cơ chế? Vai trò quản lý của Bộ chủ quản TN-MT như thế nào? Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), đến nay đã có 47 tỉnh thành phố đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan đến các vấn đề liên quan đến đất đai.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1014 ngày 6/5/2016 của Bộ trưởng Bộ TN-MT, Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được thành lập và đã làm việc với nhiều địa phương để có những hướng xử lý các tồn tại, “phủ lấp” những khoảng trống, khe hở phát sinh từ đất đai, do cơ chế cũ để lại.

Ông Lê Văn Lịch- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, từ đầu năm đến tháng 8/2016, Tổ công tác đã tiếp nhận gần 1.400 thông tin phản ánh của người dân và các tổ chức, trong đó có hơn 400 thông tin phản ánh các vấn đề sai phạm xung quanh đất đai và có địa chỉ để xử lý.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 8 tỉnh, thành phố mà Tổ công tác đến làm việc, các địa phương đều đã được cấp Giấy chứng nhận tỷ lệ cao.

Cụ thể như Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 96,97%; Thanh Hóa đạt 92,5%, Nghệ An đạt 90,4%. Riêng các thành phố lớn là TP Hà Nội, TP HCM, TP Hải Phòng đạt tỷ lệ thấp hơn, 85,5%, 88,0% và 85,3%.

“Tại nhiều địa phương còn số lượng rất lớn các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp nhưng đã dồn điền, đổi thửa nên không còn giá trị, tuy nhiên cũng chưa được cấp đổi Giấy chứng nhận mới. Có thể ví dụ tỉnh Nam Định với 436.000 Giấy chứng nhận chưa cấp đổi và 204.000 trường hợp chưa đăng ký lại. Ngoài ra nhiều trường hợp không có hoặc không còn sổ sách để theo dõi quản lý nên không xác định được số lượng tồn đọng hay thất lạc…”, ông Lịch nhấn mạnh.

Trên thực tế, các vấn đề của lịch sử luôn là một trong những “thủ phạm” gây nên vướng mắc sâu của lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, sự vào cuộc không đúng mức, thậm chí làm sai hoặc tham mưu chưa đúng của chính quyền địa phương, khiến cho nảy sinh nhiều khiếu kiện, nhóm vấn đề tồn tại cao nhất luôn được báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội.

“Chỉ riêng các trường hợp phản ánh qua đường dây nóng về việc chậm trễ trong việc cấp Giấy chứng nhận tổ công tác của Bộ đã thấy nhiều trường hợp cơ quan chuyên môn có những sai phạm hoặc thực hiện chưa đúng. Tại nhiều địa phương, một số nhóm cán bộ chưa hiểu hết luật. Nhiều công đoạn chưa triển khai, thực hiện. Đây là một phần gốc của vấn đề cần phải thay đổi và siết chặt, nhất là khi giá trị của đất đai ngày một tăng thêm”, ông Lịch cho biết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh sự vào cuộc của người đứng đầu trong việc giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến đất đai, tài sản gắn liên với đất đai là sự cấp thiết, bên cạnh đường dây nóng hoặc sự phản ánh tới các cơ quan chức năng. Những vấn đề ­­khúc mắc sẽ giải quyết từng bước trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO