Minh bạch tuyển sinh

Thu Hương 09/05/2020 08:04

Sau rất nhiều thay đổi, đến thời điểm này những trường đại học (ĐH) tổ chức kỳ thi riêng năm 2020 chỉ còn lại một số trường như ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh… Với những quy định mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 vừa được ban hành, liệu các trường có đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục duy trì tuyển sinh riêng?

Minh bạch tuyển sinh

Quy chế tuyển sinh năm nay bổ sung thêm một số điểm mới. Ảnh: Quang Vinh.

Đáp ứng đủ điều kiện mới được tuyển sinh riêng

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 vừa được Bộ GDĐT công bố ngày 8/5, các cơ sở đào tạo ĐH muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện sau: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên; Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; Phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan; Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.

Trước ý kiến cho rằng những quy định này đang “làm khó” cho các trường muốn tổ chức tuyển sinh riêng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức thi để tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý Nhà nước để bảo đảm các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định, và bảo đảm chất lượng.

Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), ngân hàng đề thi, quy chế thi, cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm…),… đây là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng. Đây cũng là những quy định cần thiết khi tổ chức một kỳ thi để bảo đảm quyền lợi của các thí sinh, bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng.

Những cơ sở đào tạo chưa kịp chuẩn bị đủ các điều kiện này có thể phối kết hợp hoặc sử dụng chung kết quả thi với các trường ĐH khác có các điều kiện tương đồng như cùng khối ngành đào tạo, cùng khu vực...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng từ Dự thảo đến Quy chế chính thức được ban hành, Bộ GDĐT đã điều chỉnh một số điều kiện để tổ chức thi riêng theo hướng giảm bớt để phù hợp với năng lực của các cơ sở đào tạo, phù hợp với điều kiện, mục tiêu tuyển sinh năm nay đồng thời bảo đảm tính khả thi của quy chế.

Minh bạch tuyển sinh - 1

Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các trường lo khó

Căn cứ vào các điều kiện đã được công bố trong Quy chế tuyển sinh ĐH 2020, nhiều trường cho biết khó đáp ứng được tất cả những quy định này.

Đơn cử, lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết năm nay trường đã lên kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với chỉ tiêu 20%. Tuy nhiên, với nhiều yêu cầu cụ thể về tiêu chí nhân sự hay yêu cầu về chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi mà Quy chế vừa ban hành, trường đang rà soát lại toàn bộ xem có thể đáp ứng đến đâu. Trong trường hợp không được tổ chức thi, phương án của nhà trường là sẽ điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cho 4 phương thức còn lại như đã công bố trước đó.

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng đã lên kế hoạch tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra năng lực (như các năm 2017, 2018, 2019). Đây là một trong 6 phương thức tuyển sinh năm nay của trường (chiếm 20 - 40% tổng chỉ tiêu). Mặc dù việc này đã được làm nhiều năm nhưng với những thay đổi mới của Quy chế 2020, lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ nghiêm họp để bàn bạc, kiểm tra lại việc đảm bảo các điều kiện đến đâu. Nhà trường sẽ sớm có thông báo tới học sinh và phụ huynh cùng những người quan tâm về phương án cuối cùng của trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT cho rằng việc minh bạch các điều kiện để tổ chức tuyển sinh riêng là cần thiết. Muốn được tuyển sinh riêng, các trường cũng phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu nếu không trường nào cũng thực hiện tuyển sinh riêng thì sẽ loạn. Nhưng việc ban hành Quy chế gấp gáp, sát với thời điểm tuyển sinh khiến các trường khó lòng trở tay kịp, chắc sẽ có một số trường hủy bỏ phương án thi riêng. Các trường thay đổi phương án liên tục sẽ khiến thí sinh hoang mang và khó lòng chuẩn bị tốt. Chưa kể, một số rắc rối phát sinh như có trường đã thu lệ phí của kỳ thi tuyển sinh riêng, nếu nay phải hủy bỏ thì sẽ rất phức tạp và tốn kém.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến với các cơ sở giáo dục ĐH về Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 tổ chức ngày 8/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường: Tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng phải theo quy định để bảo đảm khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường. Thi phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi, điều kiện tổ chức công khai minh bạch, giám sát.

“Các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp lạ gây xôn xao cho xã hội rồi rút lại”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Nhiều thay đổi trong Quy chế tuyển sinh ĐH 2020
Trong Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 Bộ GDĐT vừa công bố ngày 8/5, có điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2019.
Cụ thể, Quy chế tuyển sinh năm nay bổ sung thêm các nhóm đối tượng thí sinh được tham dự xét tuyển hoặc dự thi ĐH, CĐ gồm học sinh học chương trình nước ngoài, tại trường THPT ở Việt Nam được tham gia tuyển sinh.
Năm 2020, các Sở GDĐT, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển như năm 2019. Từ năm 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp theo quy định của các trường. Theo lộ trình tuyển sinh, từ năm 2021, các trường tự chủ hoàn toàn phương thức tuyển sinh nên sẽ không còn tiếp tục duy trì hệ thống lọc ảo chung trên toàn quốc.
Năm nay, Bộ GDĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên, sức khoẻ, áp dụng cho tất cả các loại hình tuyển sinh.

Lưu ý xét tuyển bằng học bạ
Theo Bộ trưởng Nhạ, quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất long lanh nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.
Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT sẽ tiến hành đối sánh với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Việc áp dụng rộng rãi học bạ điện tử nên cơ bản có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO