Mở cánh cửa lập nghiệp bền vững

Lan Hương 12/06/2018 16:00

Ngày 12/6, tổ chức Plan International phối hợp cùng với trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị tổ chức lễ Tổng kết dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội”.

Mở cánh cửa lập nghiệp bền vững

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Với tổng kinh phí hỗ trợ 39 tỷ đồng sau 3 năm triển khai Dự án đã đem lại cơ hội đổi đời cho gần 500 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Đào tạo nghề có chất lượng và phù hợp với định hướng thị trường sẽ mang đến cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” đã được triển khai tại hai trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị từ tháng 9/2015 nay.

Kết quả đã mang lại sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của gần 500 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, giúp hai nhà trường trở thành những cơ sở đào tạo nghề có chất lượng, uy tín.

Có mặt tại buổi tổng kết dự án, em Nguyễn Thanh Hùng, lớp Trung cấp Đường ống công nghệ khóa 1 không giấu được niềm vui: “Tháng lương đầu tiên của em đã giúp gia đình em bữa ăn đầy đủ hơn. Em sẽ tiếp tục cố gắng, đi theo nghề mà em đã được các thầy đã dạy. Em tin rằng, tương lai của em đã thay đổi từ đây, em và mẹ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Em Nguyễn Thế Anh đến từ lớp Đồng Sơn của Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã thực sự chạm được vào ước mơ làm đẹp cho những chiếc xe ô tô. Không chỉ vậy sau một thời gian học, Nguyễn Thế Anh đã có thể tự kiếm sống và trang trải sinh hoạt bằng nghề của mình.

“Từ nhỏ em đã đam mê ô tô và muốn làm đẹp cho những chiếc xe. Sau gần 2 tháng tham gia khoá học, em được học nhiều kiến thức. Ngoài giờ học em sẽ đi làm bán thời gian để có thu nhập, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm để khi ra trường đáp ứng nhu cầu công việc” - Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Mở cánh cửa lập nghiệp bền vững - 1

Nhờ sự hỗ trợ của dự án, nhiều thanh niên nghèo đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.

Bà Lê Quỳnh Lan - Tổ chức Plan Internationnal Việt Nam cho biết, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vốn là đối tượng yếu thế, dễ thất nghiệp, chính vì vậy việc tạo điều kiện cho đối tượng này có được cơ hội học tập trong môi trường tốt sẽ là tạo cơ hội giúp gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo.

Dự án đặt mục tiêu 70% học viên tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định trong 6 tháng và 70% học viên đóng góp thu nhập cho gia đình 4 tháng sau tốt nghiệp.

“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi hỗ trợ nhà trường hợp tác với các DN để xây dựng chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Hỗ trợ nhà trường cung cấp trang thiết bị hiện đại để học viên được trang bị kỹ năng nghề nghiệp” - bà Lan nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trong hoàn cảnh nghèo khó, không ít thanh niên đã gác lại ước mơ được làm những công việc yêu thích, tạm xa khát vọng làm giàu. Với trách nhiệm trụ cột gia đình, họ thường tìm công việc giản đơn nào đó có thể mang lại thu nhập ngay.

Người trẻ chưa biết phải làm gì để vượt qua hoàn cảnh; giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan, đơn vị chức năng có chỗ, có nơi chưa thực sự phù hợp, khiến nhiều thanh niên nghèo chưa tìm thấy con đường đi tới tương lai tươi sáng. Điều đó cũng lý giải vì sao lực lượng thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề, thiếu việc làm hoặc làm những công việc giản đơn chiếm tỷ lệ khá cao.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Nội vụ và Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng chỉ ra rằng, hơn 50% thanh niên nông thôn đang làm việc trong ngành Nông nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 5% số lượng lao động thanh niên đã qua đào tạo nghề, 95% còn lại không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào. Trong các ngành khác, thanh niên nông thôn thường đảm nhận những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề thấp.

Đáng lo hơn, thanh niên nông thôn thất nghiệp, thiếu việc làm chiếm tỷ lệ khá cao, thu nhập của thanh niên cũng thấp hơn các nhóm lao động ở độ tuổi khác. Chính vì vậy nếu được hỗ trợ miễn phí về dạy nghề, được định hướng nghề chắc chắn sẽ là cầu nối tốt để thanh niên nghèo khởi nghiệp. Đây cũng là mô hình giảm nghèo bền vững thay vì hỗ trợ về tài chính chuyển sang hỗ trợ bằng đào tạo nghề để người nghèo tự vươn lên bằng chính nội lực của mình.

Thống kê của ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, hơn 80% thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên vùng nông thôn tham gia các lớp học nghề miễn phí phù hợp với khả năng có thể tìm được việc hoặc tự tạo việc làm mang lại thu nhập ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cánh cửa lập nghiệp bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO