Hai năm thế giới cùng nhau chống dịch Covid-19 đã đi qua, tình hình dịch bệnh hiện nay cũng chưa hẳn thật sự yên tâm; nhưng qua hai năm chống dịch đã cho các quốc gia nhiều bài học quý trong phòng, chống dịch và mở cửa an toàn để phát triển kinh tế-xã hội. Với Việt Nam, hai năm qua cho chúng ta thêm những kinh nghiệm quý trong việc mở cửa nền kinh tế phục vụ cho phát triển.
Chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình
Chúng ta đã đưa ra những bước đi cụ thể, chắc chắn để từng bước hiện thực hóa chủ trương bình thường mới trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Một trong những bước đi cụ thể ấy là việc chọn mở cửa đón khách du lịch quốc tế bắt đầu từ giữa tháng 3 năm nay.
Liên quan tới kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Trước đó, từ ngày 15/2, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo về việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra Covid-19.
Nói về chủ trương mở cửa du lịch PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá, việc Chính phủ cho phép mở cửa lại thị trường khách quốc tế là điều được mong đợi từ rất lâu. Đây là cơ hội để phục hồi lại ngành du lịch của Việt Nam, trong đó thị trường khách du lịch quốc tế được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Với du khách quốc tế này, chúng ta vẫn nên tập trung vào các thị trường chiến lược, trọng tâm đã xác định như: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á….
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nhận định đây là thời điểm vừa chín tới không sớm không muộn. Mở cửa vào giai đoạn 15/3 sẽ giúp chúng ta tổng kết được những kinh nghiệm quý từ chương trình thí điểm đón khách du lịch kéo dài từ tháng 11/2021 đến giữa tháng 2/2022. “Sự phục hồi của du lịch dịp này không chỉ đem lại niềm vui của những người làm du lịch như chúng tôi, mà còn là tín hiệu cho thấy định hướng đúng đắn và kịp thời của Chính phủ về việc mở cửa du lịch trở lại”, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World (tập đoàn Sun Group) chia sẻ.
Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh thì cho biết, tỉnh này sẽ khai thác chủ yếu thị trường khách quốc tế tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nga, Mỹ và một số quốc gia châu Âu có thỏa thuận song phương với Việt Nam. Khách du lịch quốc tế khi nhập cảnh phải đảm bảo các quy định về xuất nhập cảnh và biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đó là những gì mà Bình Định đang hướng tới khi mở cửa thị trường du lịch.
Đưa ra những dẫn chứng nêu trên để thấy, các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã rất mong mỏi thời điểm này. Mở cửa du lịch với họ không chỉ là cách để “phá băng” thị trường bị đóng bởi Covid suốt 2 năm qua; mà còn là dịp tốt để các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lấy lại “phong độ” sau những tháng ngày “ngủ đông” góp phần phục hồi đà tăng trưởng của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm.
Đón khách quốc tế, cần chuẩn bị gì?
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF diễn ra hôm 21/2, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam chia sẻ quan điểm của Chính phủ trong chiến lược phát triển du lịch là: “Mở cửa du lịch phải thực sự an toàn”. Ông Alain Cany cũng cho biết sự vui mừng của các thành viên EuroCham khi nghe tin Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 chỉ đạo Bộ VHTTDL công bố lộ trình mở cửa lại ngành du lịch.
“Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc tái mở cửa để Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình với tư cách là một nước đi đầu trong lĩnh vực du lịch”, ông Alain Cany chia sẻ quan điểm.
Không phải chỉ lãnh đạo EuroCham mà đây cũng là quan điểm của các nhà quản lý, các chuyên gia du lịch trong nước. Ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh, chúng ta phải tạo điều kiện tối đa cho khách đến Việt Nam và phải thật sự mở cửa theo đúng tinh thần mở cửa. Đây không phải câu chuyện mới nhưng phù hợp với tình cảnh hiện tại.
Trong khi nói chuyện về vấn đề mở cửa du lịch, nhiều chuyên gia đề cập tới 2 nhóm điều kiện cần được quan tâm đặc biệt; đó là điều kiện về visa và điều kiện về đảm bảo an toàn phòng dịch.
Việc khôi phục miễn cấp visa cho 24 nước và giới hạn thời gian đến Việt Nam trong 15 ngày vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế của khách du lịch. Do đó, cần nghiên cứu và mở rộng cho những nhóm khách tiềm năng có nhu cầu ở lâu hơn từ vài tuần cho đến hàng tháng. Khi được hỏi ý kiến, đại diện đến từ Sun Group cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục xem xét ưu tiên miễn hoặc nới lỏng thị thực đối với những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là xét trong bối cảnh bình thường mới nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua đón khách quốc tế với các quốc gia trong khu vực.
Riêng về chính sách visa, tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn thuộc Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị: Mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực sang tất cả các nước EU và kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày; kéo dài thời gian miễn thị thực đã công bố và các trường hợp miễn trừ lên 5 năm. Tạo thị thực du lịch 3 tháng cho những người châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài hạn. Cung cấp miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số trường hợp nhất định.
Về vấn đề y tế, việc gỡ bỏ các rào cản với khách du lịch quốc tế là cần thiết nhưng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định. Bởi vậy, chúng ta cần những phương án để quản trị rủi ro. Đồng thời có kịch bản ứng phó với những vấn đề khó lường. Ví dụ như, ta cần lên phương án khi khách mắc Covid-19, bồi thường cho khách và doanh nghiệp khi đến các tỉnh, thành đang có nguy cơ bùng dịch, hay nếu lỡ du khách đến mang theo biến chủng Covid-19 mới thì sẽ thế nào?...
Từ thực tế trên có lẽ cần sớm ban hành hướng dẫn về việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trở lại để thống nhất hoạt động đón khách du lịch, tránh việc “trăm hoa đua nở” sẽ khó cho cả công tác quản lý, khó cho doanh nghiệp và đặc biệt là du khách. Với các chủ trương cũng cần sớm có quyết định để thông báo tới các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các địa phương trong quản lý hoạt động du lịch để hoạt động này đi đúng hướng từ đó dần dần lấy lại đà khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, Chương trình gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2022 - 2023 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 - 450 nghìn tỷ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019).
Giai đoạn 2024 - 2026 sẽ phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15 - 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra); khoảng 75 - 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60 - 65% so với chỉ tiêu Chiến lược); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680 - 780 nghìn tỷ đồng (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược).
Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt (tăng 13,3%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800 - 900 nghìn tỷ đồng (tăng 15,5 - 17,5% so với so với năm 2025).