Mở cửa du lịch: Lợi thế đúng thời điểm

Nguyễn Hoài 25/02/2022 19:20

Mở cửa du lịch sau thời gian dài đóng băng là tin vui lớn với ngành du lịch. Tuy nhiên, để “giữ chân” du khách, bên cạnh bảo đảm công tác phòng chống dịch, các địa phương cần sớm quan tâm tới chất lượng dịch vụ.

Nắm bắt nhanh cơ hội

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổng lượng khách trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 29/1 đến ngày 6/2) đạt 5,5 triệu lượt khách du lịch nội địa và 467 khách du lịch quốc tế (từ Liên bang Nga theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine).

Một số địa phương đón lượng khách lớn như Hà Nội với hơn 105.000 lượt khách, công suất phòng gần 22,4% với khoảng gần 1.000 khách lưu trú là người nhập cảnh. Xu hướng người Hà Nội đi du lịch đến các khu vực phía Nam, như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Quốc… tăng mạnh.

Quảng Ninh thu hút khách du lịch dịp đầu năm.

TP Hồ Chí Minh đón khoảng 200.000 lượt khách nội địa, công suất phòng tại các khách sạn 4-5 sao đạt 40-45%, tổng thu ước đạt 140 tỷ đồng. Khánh Hòa đón hơn 85.000 lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, lâu lắm rồi, những người làm du lịch mới được cảm nhận không khí tưng bừng, đông đúc ở nhiều điểm đến.

Đứng về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng nhìn nhận, việc mở cửa du lịch thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VHTT&DL. Chúng ta đã có nghị quyết mở đường là thích ứng an toàn, chủ động phòng chống dịch. Đồng thời, đã có điều kiện cần là phủ vaccine phòng Covid-19 rộng. Đây là điều kiện để du lịch Việt Nam quay lại 1 cách an toàn, lâu dài.

Ông Dũng cũng lạc quan cho hay, khách nội địa tăng trở lại trong dịp Tết Nguyên đán chứng tỏ ngành du lịch có khả năng phục hồi nhanh trong năm 2022 nếu chúng ta có chính sách tốt.

Theo ông Dũng, trong các nước khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, Việt Nam là 1 trong số nước có cơ hội mở cửa sớm hơn. Việt Nam phải nắm bắt cơ hội này. Nếu làm muộn hơn sẽ mất cơ hội trước một số nước láng giềng.

Chuẩn bị cho việc trở lại lần này, các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, con người, xây dựng các sản phẩm đặc thù, xây dựng nguồn khách, các nhóm liên kết… để vận hành ngay theo hệ thống.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, với thị trường nội địa, Việt Nam hoàn toàn chủ động. Còn thị trường quốc tế cần một số điều kiện, mở cửa đồng thuận từ phía 1 số quốc gia. Vì vậy, dù đã sẵn sàng và rất lạc quan về sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong năm 2022, song cộng đồng doanh nghiệp đang cần hơn nữa một số hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ban ngành, đặc biệt là Bộ VHTT&DL với những thỏa thuận hợp tác song phương giữa các quốc gia để nhanh chóng có được việc đón khách du lịch quốc tế.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Mở cửa du lịch sau thời gian dài đóng băng là tin vui lớn với ngành du lịch. Tuy nhiên, để “giữ chân” du khách, bên cạnh bảo đảm công tác phòng chống dịch, các địa phương cần sớm quan tâm tới chất lượng dịch vụ.

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều khách du lịch phản hồi rằng, hoạt động du lịch ở một số địa phương còn một số hạn chế.

Săn vé rẻ để đi Nha Trang (Khánh Hòa) dịp đầu năm, vợ chồng chị Nguyễn Phương Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thời điểm này đi du lịch rất thảnh thơi. Việc thực hiện phòng chống dịch được địa phương thực hiện tốt. Nhưng cũng vì dịch bệnh nên nhiều dịch vụ ở địa phương đã dừng hoạt động hoặc không như ý.

“Gia đình chúng tôi mất khá nhiều thời gian để tìm dịch vụ thay thế”, chị Linh cho hay.

Khách du lịch mong chờ sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch.

Có thể thấy, những bất tiện trong tiếp cận dịch vụ tại một số điểm đến sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của du khách, xa hơn là có thể ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của khách sau này.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch ANZ Việt Nam cho rằng, bên cạnh ưu tiên công tác phòng, chống dịch, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch cần hướng tới xây dựng các sản phẩm điểm đến đặc sắc, ấn tượng trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách.

Cho rằng gần 9.000 lượt khách đến Việt Nam là con số quá nhỏ, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), bước chân của người nước ngoài đến Việt Nam thể hiện rằng họ tin Việt Nam. Con số chưa nhiều chứng tỏ vẫn còn những băn khoăn về chính sách PCD, thủ tục visa...

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú trong cả nước với gần 700.000 phòng. Khách sạn cao cấp, khách sạn 4-5 sao chiếm tỷ trọng lớn tại các trung tâm du lịch lớn. Với điều kiện như vậy, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể đón khách quốc tế với mục tiêu mà ngành đã đề ra. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa phương, hướng dẫn các địa phương hoàn thành tốt hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách quốc tế.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, mở cửa du lịch trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, làm sao để hoạt động hiệu quả vừa bảo đảm phòng chống dịch là băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp. Từ sau dịp Tết Nguyên đán, số ca F0 trong cộng đồng tăng cao.

Mở cửa nhưng quan điểm phải đặt mục tiêu phòng, chống dịch lên trên hết nên chúng ta cần có những nghiên cứu hết sức cẩn thận từ phía các chuyên gia, các nhà chuyên môn, các cơ quan y tế về việc này. Chúng ta cần theo dõi diễn biến của dịch bệnh. Nếu như chúng ta đã đạt được gần như miễn dịch cộng đồng do tiêm phủ vaccin tốt thì chúng ta mạnh dạn mở cửa. Còn nếu như vẫn tiếp tục ghi nhận số ca F0, số bệnh nhân chuyển biến nặng tăng thì chúng ta cũng phải cân nhắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cửa du lịch: Lợi thế đúng thời điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO