Mở cửa nhưng phải an toàn

THÀNH LUÂN - THANH GIANG 30/09/2021 07:26

Dự kiến, từ ngày mai 1/10, TP Hồ Chí Minh sẽ “mở cửa”, nới lỏng giãn cách xã hội. Tới nay, TP HCM về cơ bản đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 đạt gần 100%; số ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị giảm, số ca tử vong cũng giảm sâu. Đó là những yếu tố cơ bản để TP HCM “mở cửa” khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hồi hộp chờ “mở cửa”

Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, trước thông tin TP HCM nới lỏng kiểm soát dịch bệnh từ 1/10, nhiều cửa hàng, quán ăn rục rịch chuẩn bị buôn bán sau một thời gian dài bất động.

Bà Nguyễn Thị Hiên - chủ cửa hàng phở Nam Định (đường Nguyễn Duy Trinh, Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi đã liên hệ với các mối hàng cũ để mua gà, bò. Thấy các mặt hàng nguyên liệu giá cao quá, không biết phải làm sao nhưng không thể tiếp tục đóng cửa”. Bà Hiên cho rằng, cửa hàng mở bán cũng sẽ thực hiện quy định phòng dịch, như xét nghiệm, khoảng cách... đó là điều cần thiết.

Chủ cửa hàng cơm tấm Ngon số 1 trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cho hay, do hàng hóa chưa thật nhiều, cái gì cũng đắt nhưng cửa hàng vẫn bán giá cũ, thay vì tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng. “Ngày hôm qua tôi huy động mọi người trong nhà vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu ăn, bát đũa, bàn ghế. Giờ chờ quy định mới xem có dễ thở so với trước đây không. Quy định kiểu gì thì chúng tôi cũng cố gắng để mở cửa” - chủ cửa hàng cơm tấm vui vẻ nói.

Mặc dù khá vui mừng khi thành phố bắt đầu mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thế nhưng chủ các cửa hàng không khỏi lo lắng đến sức mua. Lý do, chi phí giao hàng qua các nền tảng hiện nay khá cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Có đơn hàng tiền vận chuyển cao hơn cả tiền mua món hàng. Việc này khó khăn cho cả người mua và người bán. Chưa kể, khi hoạt động trở lại các khoản chi phí như vệ sinh, mặt bằng, nhân viên, nguyên liệu,… đều ở mức cao. Đa phần các chủ cửa hàng cho rằng mở cửa kinh doanh lúc này không biết khó khăn như thế nào, mặc dù vậy cũng phải mở để thăm dò thị trường.

Giải thích về các mặt hàng có giá cao, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng, giải pháp tốt nhất để hạ nhiệt giá cả hàng hóa chính là làm sao để đưa được hàng hóa về nhiều nhất. Khi mạng lưới phân phối truyền thống mở rộng, cùng với lượng hàng hóa được đưa về nhiều thì giá cả sẽ hạ nhiệt. Thành phố sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn trong thời gian qua để đúc kết kinh nghiệm và xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn. Hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố.

Nhân viên y tế chăm sóc F0 cách ly và điều trị tại nhà.

Cơ chế riêng cho “nền kinh tế đầu tàu”

Trung ương đã đồng ý với kiến nghị của UBND TP HCM về việc nghiên cứu cho phép TP HCM áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế. Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Y tế phối hợp với Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nghiên cứu, đề xuất về kiến nghị mở cửa kinh tế thành phố theo quy định riêng. Các nghiên cứu, đề xuất cụ thể sẽ được báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thống nhất cụ thể hướng giải pháp cho khôi phục nền kinh tế TP HCM trong điều kiện có dịch.

Việc có quy định riêng cho TP HCM mở cửa là hết sức cấp thiết. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố đã có văn bản gửi Chính phủ do dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có một số điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố, cũng như việc thực hiện sẽ rất khó. TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép vẫn thực hiện theo hướng dẫn nhưng có một số chi tiết điều chỉnh phù hợp với tình hình đặc thù của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, hiện nay tình hình lây nhiễm ở TP HCM giảm sâu nhiều chỉ số, tuy nhiên cũng rất khó đạt chỉ tiêu số mắc mới/100.000 dân/1 tuần đủ để mở cửa theo dự thảo. Từ đó, TP HCM đề xuất thay chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu số ca nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.

Cũng theo ông Đức, hiện nay tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 của TP HCM đã đạt gần 100% người dân trên 18 tuổi và đạt hơn 40% người dân được tiêm mũi 2. Trong điều kiện được cấp đủ vaccine thì cũng phải đến cuối tháng 10 năm nay TP HCM mới đạt 80% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ hai liều. Do đó, về tiêu chí liên quan đến vaccine của dự thảo cũng cần được điều chỉnh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vào thời điểm cuối tháng 9/2021 đã có nhiều dấu hiệu cho thấy TP HCM đã qua thời kỳ đỉnh dịch và đang có xu hướng giảm sâu. Số liệu báo cáo từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM đã cho thấy, một thời gian dài, số lượng bệnh nhân nhập viện đã ít hơn số bệnh nhân xuất viện; số ca tử vong hàng ngày tiếp tục giảm sâu; số ca mắc mới cũng đang “đi ngang”, trong khi số ca chuyển nặng phải can thiệp thở máy cũng đang giảm dần từng ngày.

Hôm nay, TP HCM công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch Covid-19

Hôm nay (30/9), UBND TP HCM công bố chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn từ 0 giờ ngày 1/10.

Đó là thông tin được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM cho biết vào tối 29/9. Tính đến cuối tháng 9/2021, TP HCM thực hiện 7 lần thông báo giãn cách xã hội theo chiều hướng lần sau thắt chặt hơn so với lần trước. Tổng cộng, thành phố đã trải qua gần 5 tháng thực hiện theo Chỉ thị 16, với lần gần nhất thực hiện triệt để “Ai ở đâu, ở yên đó”. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại TP HCM đã vượt hơn 375.000 ca, trong khi có tới hơn 14.000 bệnh nhân tử vong.

Tại lần công bố giãn cách xã hội gần nhất, sẽ kết thúc vào ngày hôm nay (30/9) với việc TP HCM nới lỏng một số hoạt động có kiểm soát. Do đó, từ 1/10 thành phố tiếp tục ban hành chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn. Dự kiến, TP HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

TP HCM cũng tiếp tục thực hiện mô hình các chốt kiểm soát, với việc thống nhất kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện. Đồng thời, TP HCM kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo chỉ thị mới, một số hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) được tổ chức với giới hạn về số lượng người tham dự tối đa, kèm theo các điều kiện về “thẻ xanh Covid-19” hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19. Riêng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp phải có “thẻ xanh Covid-19” và doanh nghiệp phải cam kết điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế.

Đối với hoạt động giáo dục, TP HCM sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

Thành Luân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cửa nhưng phải an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO