Mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ

Minh Phương 23/04/2019 08:00

Những tiện lợi về mua sắm tiêu dùng cũng như tiện lợi trong thanh toán đã giúp cho mô hình các cửa hàng tiện lợi được ưa chuộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận một cách hào hứng. Điều này được chứng minh ở tốc độ phát triển cửa hàng tiện lợi trên 2 con số mỗi năm. Đây là kênh bán lẻ hiện đại, có hệ thống quản trị tốt, thường nằm ở những vị trí thuận lợi và tiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa. Chính bởi vậy, càng ngày, xu thế phát triển các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni càng mạnh mẽ. Hơn thế, đây cũng là kênh để các nông hộ cũng như các doanh nghiệp (DN) cũng có cơ hội đưa hàng vào các kênh bán lẻ, nhất là các sản phẩm tươi sống.

Theo các chuyên gia trong ngành, với thế mạnh là hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, giá cả vừa phải, cửa hàng tiện lợi đã và đang giúp tạo dựng thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước. Loại hình kinh doanh này dù chỉ chiếm diện tích khá khiêm tốn nhưng người mua có thể chọn lựa nhiều mặt hàng cần thiết cho cuộc sống, từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại...Không chỉ tiện lợi trong mua sắm, loại hình kinh doanh này còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm được nhiều thời gian khi thanh toán.

Báo cáo của Deloitte cho thấy, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012 và hình thức này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số lượng mở mới các loại hình mua sắm trong năm 2018. Sự hấp dẫn của các cửa hàng tiện ích không chỉ thu hút các tập đoàn trong nước như VinGroup, Saigon Co.op mà còn của công ty nước ngoài như Circle K, Bs Mart, Mini Stop, 7-Eleven... Đáng chú ý, các DN trong nước hiện đang chiếm thị phần áp đảo thị trường cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng 70%. Tính đến hết tháng 1/2019, chỉ riêng Vinmart+ đã mở rộng hơn 1.700 cửa hàng.

Được biết, nhằm tạo điều kiện để đẩy mạnh xu thế phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công thương đã có những chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển của cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, đối với những hệ thống phân phối dưới 500 m² đều không bị áp quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế – ENT (cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép mở từng cơ sở bán lẻ cho DN). Việc xin giấy phép cũng dễ dàng hơn so với các hình thức bán lẻ khác.

Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ ngày càng phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Vụ này cũng khuyến cáo, muốn giữ “chắc chắn” thị phần tại thị trường trong nước, các DN bán lẻ Việt cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Neilsen Việt Nam, hiện nay, cứ khoảng 70.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người. Như vậy, Neilsen nhận định, nếu nhìn vào tỷ lệ của Trung Quốc thì thấy rằng, số lượng cửa hàng tiện ích của Việt Nam phải tăng gấp 3 lần nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO