Mở rộng phạm vi chống tham nhũng

Nam Việt 02/06/2018 08:30

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23/11/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2013. Lần sửa đổi ấy có nhiều điểm mới, tuy nhiên tới nay, thực tế cuộc chiến chống tham nhũng cho thấy cần thiết phải tiếp tục đổi mới, nhất là phải ngăn chặn sự móc nối, trục lợi công - tư.

Còn nhớ, sáng 21/11/2017, tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, buổi thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã rất nóng với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tổ chức, doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước.

Nhiều ĐBQH cho rằng, cần có những quy định mới về giải pháp chặn lợi ích nhóm, sân sau của quan chức. Trong đó nổi bật là việc chặn tuyển dụng, bổ nhiệm người thân tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng.

Cán bộ, công chức, viên chức bị cấm thành lập DN, giữ chức vụ quản lý, điều hành hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn 5 năm kể từ khi thôi giữ chức vụ, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định thời hạn dài hơn thì áp dụng quy định của pháp luật đó.

Điều này liên quan trực tiếp đến việc kê khai tài sản, thu nhập với những người từng (hoặc đang) giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Tại kỳ họp đó, theo đại biểu Trần Thế Tất (đoàn Hà Nam), việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết do thực tế tình hình tham nhũng tại khu vực này đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) cho rằng, thực tiễn đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng đã cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến. Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như đưa hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân.

Nói như ông Khánh thì tham nhũng không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư.

Với đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thì tham nhũng ở khu vực tư chi phối, lũng đoạn cả chính sách. Nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ĐBQH cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước khi phát hiện PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, do có thể ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất của DN.

Vấn đề này vẫn âm ỉ trong xã hội và cho tới kỳ họp thứ 5 này của QH khóa XIV, lại được các ĐBQH lên tiếng mạnh mẽ.

Ngày 31/5, tại hội trường Quốc hội, nhiều ĐBQH cho rằng PCTN ở khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để cho công cuộc đấu tranh PCTN toàn diện. Khi mà cổ phần hóa, hợp tác công - tư ngày càng sâu rộng thì Luật PCTN mở rộng đối tượng điều chỉnh sang khu vực tư nhân là cần thiết.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an, thực tế công tác điều tra, phá án thời gian qua cho thấy các đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ trong bộ máy đều có lợi ích đan xen với khu vực tư nhân.

“Đó là cái mà dư luận hay gọi nôm na là nhóm lợi ích hay là sân sau, sân trước, rất phức tạp. Xu thế phát triển là các hình thức đầu tư có hợp tác giữa khu vực công với khối tư nhân ngày càng nhiều, xu thế cổ phần hóa DN nhà nước nên mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khối tư nhân là điều nên làm”- ông Vương phân tích.

Nói như ông Hồ Đức Phớc- Tổng Kiểm toán Nhà nước thì lĩnh vực công quan hệ rất mật thiết với lĩnh vực tư. Không ngăn chặn được khu vực tư thì không ngăn chặn được khu vực công tham nhũng.

“Luật sửa đổi phải làm thế nào để bịt được dòng thất thoát đó”- ông Phớc lưu ý.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhiều vụ tham nhũng không diễn ra trong bộ máy công quyền mà đều có “trung gian” là các DN tư nhân, như tham gia các dự án đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trở thành “DN trong nhà”.

Tất nhiên chống tiêu cực trong khối DN tư nhân đã có nhiều quy định, chế tài nghiêm túc, rõ ràng. Nhưng làm gì để chặn được những cú bắt tay ngầm rút ruột ngân sách nhà nước từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư dù khó khăn và rất cần thiết? Khi DN tư nhân chủ động hối lộ quan chức thì cũng có nghĩa là họ đã tính toán đến món lợi lớn hơn nhiều sau khi tha hóa được vị cán bộ cụ thể nào đó. Với DN tư nhân, cùng với việc phát triển kinh tế đất nước, những công tác an sinh xã hội..., thì lợi nhuận luôn là bài toán rất chi li, theo kiểu “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.

Tất nhiên không phải DN tư nhân nào cũng lăm le hối lộ quan chức để trục lợi, có rất nhiều DN khối này làm ăn đàng hoàng trong khuôn khổ pháp luật; nhưng tiếc thay vẫn diễn ra sự móc ngặc, đút lót, mua chuộc làm méo mó sự phát triển, làm tha hóa cán bộ.

Chỉ ra được những vụ việc cụ thể trong sự bắt tay ngầm này được coi là khó khăn hơn so với việc PCTN ở lĩnh vực đầu tư công, nhưng không thể vì thế mà “khoanh vùng” lại, vì tham nhũng biến tướng rất mạnh, những chiếc vòi bạch tuộc của nó hầu như không giới hạn.

Thế giới cũng đã chứng kiến không ít vụ tham nhũng trầm trọng thông qua sự bắt tay của quan chức nhà nước cao cấp với các tập đoàn kinh tế. Bài học đối với bà Park Geun-hye- nguyên Tổng thống Hàn Quốc là một ví dụ khi giữa tháng 4/2017, các công tố viên nước này truy tố bà Park và Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin liên quan tới bê bối tham nhũng.

Bà Park bị buộc tội lạm quyền, cưỡng ép, tham nhũng và làm rò rỉ thông tin bí mật của Chính phủ.

Bà Park cũng bị buộc tội gây áp lực buộc các doanh nghiệp lớn đóng góp tiền bạc cho các quỹ phi lợi nhuận của bạn mình, trong đó Chủ tịch Tập đoàn Lotte bị cáo buộc đã hối lộ 7 tỷ won cho Quỹ K-Sport của bà Choi (một người bạn thân của bà Park).

Chưa hết, ngày 9/4/2018), cựu Tổng thống Lee Myung-bak cũng bị cáo buộc tham nhũng.

Phải chăng, đó là bài học cần phải được rút ra để tiến hành PCTN trong lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước, chống bằng được lợi ích đan xen.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng phạm vi chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO